Chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo

Trong những năm qua, Việt Nam kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trao quà hỗ trợ phát triển sinh kế đến nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: BTC)
Trao quà hỗ trợ phát triển sinh kế đến nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: BTC)

Ngày 28/7/2021 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Tổng nguồn vốn được huy động để thực hiện Chương trình này từ ngân sách nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tối thiểu là 75.000 tỷ đồng (tương đương hơn 3 tỷ USD).

Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn như: cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ 1/1/2021 tới năm 2025 (miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 300 triệu USD); giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng…, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo.

Chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo ảnh 1

Nhờ chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với các hộ nghèo, cuộc sống gia đình anh Lý Văn Nó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đã từng bước được cải thiện. (Ảnh: THÀNH NAM)

Việt Nam tiếp tục chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách đối với người có công, quan tâm chăm lo, trợ giúp các nhóm dễ bị tổn thương, nhất là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1-1,5%/năm; thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 tăng 2,3 lần so với năm 2015, đời sống của hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng tích cực, năm 2023 đạt hơn 100 triệu đồng (tương đương hơn 4.000 USD), tăng 25% so với năm 2019. Các đối tượng chính sách như người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế-xã hội khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người trên 80 tuổi… được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tế.

Đến nay, cả nước có hơn 1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (bao gồm cả nạn nhân bom, mìn, chất độc màu da cam/dioxin) được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trong cả nước đã hoàn thành việc xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật.

Mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước với 544 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 292 cơ sở công lập và 252 cơ sở ngoài công lập, 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật (bao gồm nạn nhân bom, mìn, chất độc màu da cam/dioxin) và 45 trung tâm công tác xã hội chuyên biệt. Mạng lưới này cung cấp các dịch vụ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp dạy nghề và công tác xã hội đối với người khuyết tật.

Việt Nam đã ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 như việc ban hành các gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (năm 2020, tương đương khoảng 2,75 tỷ USD) và 26.000 tỷ đồng (năm 2021, tương đương khoảng 1,15 tỷ USD) dành cho người khó khăn vì dịch Covid-19 cùng nhiều gói hỗ trợ cho các đối tượng cụ thể khác. Các tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng chung tay hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

Chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo ảnh 2

Hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An. (Ảnh: MTTQ)

Việt Nam có hơn 2,5 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; 1,2 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; hơn 1,87 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; khoảng 10.000 người cao tuổi đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội; 95% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% người cao tuổi khi tham gia giao thông công cộng được miễn giảm giá vé. Cơ sở hạ tầng văn hóa, y tế, giao thông công cộng, trung tâm thương mại từng bước bảo đảm các điều kiện tiếp cận cho người cao tuổi.

Với những nỗ lực trên, đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 4,3% (giảm 0,06 điểm phần trăm so với 2021), trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 21,02% (giảm 4,89 điểm phần trăm so với 2021), đạt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao.