Công nghệ “dọn đường” cho người khuyết tật

Bản đồ tiếp cận qua điện thoại thông minh, ứng dụng tư vấn pháp lý với thao tác đơn giản hay sổ tay nghề nghiệp trên nền tảng số… công nghệ hiện đại không chỉ giúp người khuyết tật (NKT) tăng khả năng hòa nhập cộng đồng mà còn mở ra nhiều cơ hội để họ phát triển bản thân.
0:00 / 0:00
0:00
Công nghệ giúp người khuyết tật thuận lợi hơn trong việc hòa nhập cộng đồng.
Công nghệ giúp người khuyết tật thuận lợi hơn trong việc hòa nhập cộng đồng.

Chủ động tiếp cận

Cách đây không lâu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (gọi tắt là DRD) đã phối hợp với nhóm cựu sinh viên Australia thực hiện dự án “Cải thiện việc làm hòa nhập cho NKT thông qua giáo dục nghề nghiệp”. Kết thúc dự án, DRD cho ra đời sản phẩm công nghệ hữu ích mang tên “Sổ tay nghề nghiệp, con đường học tập và các nguồn hỗ trợ dành cho NKT”. Sổ tay này cung cấp danh sách 64 ngành nghề được chọn lọc dựa trên cơ sở mô tả ngành học theo chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam và kinh nghiệm có được sau nhiều năm DRD hợp tác với các doanh nghiệp trong khâu đào tạo, giới thiệu việc làm cho NKT. Triển khai trên nền tảng số, danh sách này sẽ tiếp tục được mở rộng nhằm gia tăng sự chọn lựa cho NKT khi tiếp cận môi trường giáo dục và việc làm.

Sổ tay có ba phần chính là: Thông tin các nghề nghiệp và gợi ý về sự phù hợp đối với các dạng khuyết tật; thông tin về các trường cao đẳng nghề, kèm theo danh sách các ngành đào tạo, chính sách tuyển sinh và hỗ trợ học viên là NKT; thông tin các tổ chức, nguồn hỗ trợ NKT và các phần mềm hỗ trợ theo từng dạng khuyết tật. Sổ tay còn giới thiệu một số ứng dụng và tiện ích hỗ trợ NKT học tập và tiếp cận các nguồn tài liệu trên nền tảng số tùy theo dạng tật. Người khiếm thị sẽ có phần mềm đọc màn hình, sách nói, công nghệ nhận diện hình ảnh; người khiếm thính và khiếm âm có máy trợ thính thông minh, ứng dụng chuyển đổi giọng nói thành văn bản. Trong khi đó, NKT vận động sẽ được hỗ trợ bàn phím điều chỉnh, chuột điều khiển bằng miệng/mắt, công nghệ theo dõi chuyển động…

Chị Nguyễn Ngọc Linh, một NKT vận động đang sinh sống tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, D.Map đã giúp chị tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc chọn lựa điểm đến phù hợp. Sống một mình, vào dịp cuối tuần, chị Linh muốn tham gia hoạt động cộng đồng và tìm hiểu thêm tính tiếp cận tại các không gian mở. Chị Linh cho hay: “Trước kia, khi chưa biết ứng dụng này, nhiều lần tôi đến nơi rồi phải ngậm ngùi quay về vì rất khó để vào trong một điểm đến không bảo đảm tính tiếp cận cho NKT. Sau này, chỉ cần dành vài phút tham khảo danh sách các điểm đến trên ứng dụng, mọi việc đơn giản hơn rất nhiều".

Thêm nhiều cơ hội

Ngoài D.Map và sổ tay nghề nghiệp, D.Law - Ứng dụng tư vấn pháp lý cho NKT của DRD cũng là dự án mang tính cộng đồng cao. Thông qua sự hỗ trợ pháp lý từ các luật sư uy tín tại Thành phố

Hồ Chí Minh, D.Law tăng cường trợ giúp pháp lý và bảo vệ quyền của NKT trong lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, giáo dục… NKT có thắc mắc hay cần giúp đỡ có thể gửi câu hỏi hoặc nguyện vọng thông qua ứng dụng, DRD sẽ tổng hợp các câu hỏi và gửi đến các bên liên quan trong thời gian sớm nhất. Với những câu hỏi đơn giản, trung tâm này sử dụng công nghệ Chatbox và Trí tuệ nhân tạo để rút ngắn thời gian chờ đợi của NKT.

Năm 2009, anh Nguyễn Minh Hảo nhận được học bổng “Người bạn đồng hành” của DRD. Suất học bổng toàn phần ấy giúp anh thực hiện được ước mơ tốt nghiệp Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông từ khi còn là đứa trẻ. Với một NKT vận động như anh Hảo, suất học bổng lúc bấy giờ được ví như cơ hội đổi đời, tiếp thêm động lực để anh cố gắng hết sức trong hành trình chinh phục niềm đam mê công nghệ. Ra trường, làm qua đủ công ty, học lên thạc sĩ, làm nghiên cứu sinh, đến giai đoạn phù hợp, anh Hảo quyết định quay về DRD để có thể góp sức triển khai nhiều dự án ứng dụng công nghệ hỗ trợ NKT ngay tại trung tâm. “Qua các khóa đào tạo tôi nhận thấy mỗi dạng tật sẽ gặp phải những khó khăn riêng trong quá trình tiếp cận. Vậy nên, tôi cùng mọi người bổ sung thêm nhiều giải pháp công nghệ nhằm tối ưu việc học cho từng dạng tật. Làm sao để NKT dễ dàng hơn trong việc tiếp thu kiến thức mới và ứng dụng vào đời sống, công việc. Rõ ràng, công nghệ hỗ trợ rất tốt cho NKT nếu chúng ta có sự điều chỉnh phù hợp”, anh Hảo chia sẻ.

Ngay từ khi trở về DRD, ngoài thời gian nghiên cứu và triển khai các dự án nâng cấp công nghệ với vai trò quản lý lĩnh vực này tại trung tâm, anh Hảo còn trực tiếp tham gia giảng dạy nhiều lớp Thiết kế đồ họa, Vi tính văn phòng, Thiết kế trang Web, ứng dụng trí tuệ nhân tạo… nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, giúp NKT nắm vững chuyên môn, tìm được công việc ổn định. Đến thời điểm hiện tại, các khóa đào tạo liên quan đến công nghệ và định hướng nghề nghiệp cho NKT của DRD vẫn được tổ chức thường xuyên và hoàn toàn miễn phí.

Chị Ngọc Linh: "Tín hiệu vui nữa là vài năm trở lại đây, nhiều công trình công cộng đã tăng tiện ích hỗ trợ NKT, giúp chúng tôi tự tin và thoải mái hơn khi ra ngoài”.