Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội

Vừa qua, tại tỉnh Bình Phước diễn ra hội nghị văn hóa quy mô lớn, với sự tham dự của 13.000 đại biểu theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách trải nghiệm nét đẹp văn hóa của người Xê Tiêng - giã gạo nuôi quân.
Du khách trải nghiệm nét đẹp văn hóa của người Xê Tiêng - giã gạo nuôi quân.

Hội nghị là dịp để đánh giá việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người theo tinh thần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tỉnh Bình Phước nói chung và các tỉnh, thành phố trong cả nước xác định con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đã tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.

Bình Phước được biết đến với nhiều địa danh, di tích lịch sử, văn hóa và dấu mốc quan trọng, làm nên những chiến công vang dội, trang sử vàng đi vào lịch sử dân tộc như chiến thắng Đồng Xoài năm 1965, là nguồn cảm hứng để cố nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác, phổ nhạc bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” nổi tiếng; chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, giải phóng Lộc Ninh, là huyện đầu tiên ở miền nam được giải phóng; chiến thắng chiến dịch đường 14 - Phước Long, làm cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền nam trong năm 1975…

Sau ngày đất nước thống nhất, đồng bào các dân tộc từ khắp mọi miền đất nước đến vùng đất Bình Phước sinh sống, lập nghiệp ngày càng nhiều với 41 thành phần dân tộc, tạo nên sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, vùng, miền.

Những trầm tích văn hóa kết tinh trong các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cùng những phẩm chất đặc trưng, cốt cách con người Bình Phước đã góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bình Phước được biết đến với nhiều địa danh, di tích lịch sử, văn hóa và là nơi “đầu gối Trường Sơn, vai kề biên giới”, nằm ở vị trí điểm cuối của tuyến đường Hồ Chí Minh, tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Và Bình Phước chính là mảnh đất kết tinh của văn hóa nhiều vùng miền.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hùng, hiện nay chúng ta đang tập trung xây dựng môi trường văn hóa nhằm tạo ra sức “đề kháng” rất lớn để xây dựng văn hóa phát triển trong bối cảnh hội nhập. Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho tương lai, đầu tư cho văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Thực tế cho thấy, đầu tư cho phát triển văn hóa chưa được đặt ngang hàng với phát triển các lĩnh vực khác của xã hội.

Thí dụ như ở Bình Phước, nhiều năm qua, đầu tư cho phát triển văn hóa chỉ hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, trong phát triển văn hóa, một số địa phương chưa có định hướng đồng bộ và mang tính dài hạn; chưa huy động được sức mạnh, nội lực của cộng đồng trong xây dựng và phát triển văn hóa; cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người chưa đồng bộ; nguồn kinh phí đầu tư cho văn hóa chưa cao, còn dàn trải, chưa ngang tầm và tương xứng với tăng trưởng kinh tế, yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người; công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa gắn kết, khai thác tốt các giá trị văn hóa, tạo không gian cho văn hóa phát triển.

Do đó, nâng cao vai trò của văn hóa và xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững; xác định việc xây dựng văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân. Cần tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người phù hợp với từng địa phương để văn hóa là một địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.