Ngày 6/12, tại Vĩnh Phúc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế”.
Trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã từng bước đưa vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động của ngành.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh nhấn mạnh, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo đã giải quyết được nhiều nhu cầu của loài người trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Trí tuệ nhân tạo là một công nghệ tiên tiến và đầy tiềm năng, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và con người với nhiều ưu điểm. Cụ thể là: Khả năng xử lý dữ liệu lớn và phức tạp, tăng cường hiệu suất làm việc, cải thiện chất lượng cuộc sống…
Theo ông Chu Mạnh Sinh, với việc quản lý cơ sở dữ liệu khổng lồ và xử lý khối lượng công việc rất lớn, trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã từng bước đưa vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động của ngành.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: VSS) |
Theo đó, ngành đạt được một số kết quả. Cụ thể như: Triển khai hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm phục vụ, theo dõi, khai thác thông tin báo cáo, hỗ trợ ra quyết định; tích hợp trợ lý ảo vào hệ thống chăm sóc khách hàng, hỗ trợ cấp lại mật khẩu tài khoản VssID; triển khai trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu, phục vụ công tác giám định bảo hiểm y tế, đưa ra các cảnh báo, dự báo; hoàn thiện phần mềm thanh tra, kiểm tra, xây dựng các bài toán nhận diện các hành vi vi phạm pháp luật trong đóng, hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh cho biết, hội thảo lần này là một trong những hoạt động nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đây cũng là dịp để cán bộ ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, những người đang trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển đổi số của ngành được gặp gỡ, kết nối, trao đổi với các chuyên gia hàng đầu của các bộ, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nói chung và ứng dụng trí tuệ nhân tạo nói riêng.
Đồng thời, đây cũng là dịp mở ra cơ hội cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thể hợp tác với các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, bảo đảm tối đa quyền lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đã giới thiệu các kết quả nổi bật trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành.
Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; tích cực phối hợp các bộ, ngành, địa phương trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; hơn 621 nghìn doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan bảo hiểm xã hội thông qua cổng thông tin điện tử.
Với việc đưa ứng dụng trên thiết bị di động VssID-bảo hiểm xã hội số chính thức đi vào hoạt động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp các dịch vụ công, công khai, minh bạch các thông tin đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; triển khai sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và các thông tin, tiện ích khác.
Đến nay, toàn quốc có hơn 33 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (dùng để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID) được phê duyệt, hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Đáng chú ý, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ứng dụng xác thực thông tin sinh trắc trên căn cước công dân gắn chip trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính.
Cụ thể, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp Bộ Công an và các đơn vị cung cấp thiết bị, dịch vụ xác thực sinh trắc triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Quảng Bình và Hà Nội.
Cùng với đó, triển khai xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương và Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa, Hà Nội.
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Bộ Công an khẳng định vai trò, tiện ích, ứng dụng công nghệ mới như công nghệ AI trong triển khai ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân gắn chip phục vụ người dân, doanh nghiệp và tổ chức, cơ quan nhà nước nói chung là một trong những nhiệm vụ cần thiết để nghiên cứu và mở rộng ra các lĩnh vực khác nhằm phục vụ Đề án số 06/CP của Chính phủ. Đồng thời, cũng giới thiệu một số những tiện ích và ứng dụng mà công nghệ AI có thể mang lại cho công tác triển khai, vận hành, quản trị và khai thác cơ sở dữ liệu về dân cư và căn cước công dân gắn chip.