Còn “dư địa” trong phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, “dư địa” trong phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, vẫn còn nhiều. Các địa phương cần khẩn trương, cố gắng triển khai các giải pháp để hoàn thành theo chỉ tiêu, kế hoạch của ngành.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động làm việc tại khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh. (Ảnh: An Trân)
Người lao động làm việc tại khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh. (Ảnh: An Trân)

Làm tròn trách nhiệm với người dân về công tác an sinh xã hội

Ngày 1/12, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành tháng 12/2023.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, đây là hội nghị đánh giá kết quả toàn ngành đạt được trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2023; từ đó đưa ra các giải pháp để quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong thời gian một tháng còn lại, làm tròn trách nhiệm với người dân về công tác an sinh xã hội.

Đồng chí Nguyễn Thế Mạnh cho biết thêm, trong tháng 11, các lãnh đạo ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều buổi làm việc với các địa phương; với Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế một số tỉnh và huyện.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã làm việc với bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố ở cả 3 miền. Cụ thể, tại Hà Nội là làm việc với bảo hiểm xã hội 11 tỉnh, thành phố phía bắc; tại Đà Nẵng với bảo hiểm xã hội 8 tỉnh, thành phố miền trung; tại Thành phố Hồ Chí Minh với bảo hiểm xã hội 12 tỉnh, thành phố phía nam.

Còn “dư địa” trong phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ảnh 1

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VSS)

Qua các buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, cơ bản bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã bám sát, nghiêm túc triển khai các chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, của địa phương trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, “dư địa” trong phát triển người tham gia vẫn còn nhiều, cần khẩn trương, cố gắng triển khai các giải pháp để hoàn thành theo chỉ tiêu, kế hoạch của ngành đã đề ra từ đầu năm.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến ngày 30/11/2023, toàn quốc ước đạt 17,523 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 1,49% so với cùng kỳ năm 2022, đạt tỷ lệ 37,67% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 16,015 triệu người, tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2022; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,508 triệu người, tăng 8,95% so với cùng kỳ năm 2022.

Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 14,307 triệu người, tăng 0,94% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 30,75% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Đến ngày 30/11/2023, toàn quốc ước đạt 17,523 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 1,49% so với cùng kỳ năm 2022, đạt tỷ lệ 37,67% so với lực lượng lao động trong độ tuổi.

Số người tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 91,837 triệu người, tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2022, đạt tỷ lệ 92,81% dân số. Số tiền thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của toàn ngành tăng 38.563 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, đạt 89,18% kế hoạch giao.

Toàn ngành tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách, giải quyết đúng, đủ, kịp thời các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi người lao động. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế, bảo đảm chi đúng, chi đủ, phục vụ kịp thời các hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân và bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội Nguyễn Văn Cường cho biết, vừa qua, Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội có thực hiện chương trình giám sát tại một số địa phương. Qua hoạt động giám sát, Hội đồng ghi nhận một số vấn đề trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Cụ thể như: Tình trạng dữ liệu giữa cơ quan thuế và cơ quan bảo hiểm xã hội có sự khác biệt lớn. Tình trạng nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội quá lớn tại một số doanh nghiệp; tần suất khám, chữa bệnh, sử dụng thuốc, xét nghiệm, chỉ định điều trị nội trú bất thường tại không ít cơ sở khám, chữa bệnh… Các vấn đề này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sử dụng lãng phí, sai quy định các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đồng chí Nguyễn Văn Cường đề nghị, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường hơn nữa vai trò của công tác giám định, thường xuyên thông báo đến các tỉnh, cơ sở y tế về tình hình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc, với các số liệu bình quân chung về tần suất khám, chữa bệnh, tỷ lệ điều trị nội trú, sử dụng biệt dược… để các tỉnh, cơ sở y tế biết, kiểm soát, điều chỉnh. Về vấn đề sử dụng lao động, bảo hiểm xã hội các tỉnh cần tăng cường rà soát với dữ liệu thuế, đây là thông tin quan trọng để xác định được các doanh nghiệp thành lập mới, cũng như đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Hiện nay, tỷ lệ nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở các thành phố lớn có xu hướng gia tăng, đồng chí Nguyễn Văn Cường đánh giá, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Không chỉ là công tác thanh tra chuyên ngành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam mà cần phối hợp với ủy ban nhân dân, các sở, ngành như: Lao động, y tế, thuế, công an… trên địa bàn thực hiện công tác thanh tra thường xuyên, liên tục hơn nữa.

Phấn đấu giảm số nợ bảo hiểm xuống dưới 2,68%

Nhấn mạnh việc hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu được giao trong năm là trách nhiệm với người dân, người lao động, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, các đơn vị trong toàn ngành rà soát lại tất cả các công việc, nhiệm vụ được giao từ đầu năm đến nay. Các công việc tồn đọng cần tập trung giải quyết, đến ngày 20/12, cần cơ bản hoàn thành. Các chỉ tiêu chủ yếu về độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cần hoàn thành, nhất là độ bao phủ bảo hiểm y tế. Số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cần đạt và vượt kế hoạch được giao; phấn đấu giảm số nợ xuống mức dưới 2,68%.

Bên cạnh đó, bảo hiểm xã hội các địa phương tiếp tục bảo đảm đầy đủ các chế độ, chính sách cho người tham gia trên địa bàn; đặc biệt là các quy định mới theo Nghị định số 75/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 3/12 tới.

Số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cần đạt và vượt kế hoạch được giao; phấn đấu giảm số nợ xuống mức dưới 2,68%.

Cùng với đó, bảo đảm kinh phí cho các cơ sở khám, chữa bệnh để phục vụ, chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân. Kiện toàn Ban chỉ đạo Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến cấp xã.

Trong giảm nợ, bảo hiểm xã hội các địa phương thực hiện ngay việc gửi thông báo đến tất cả các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên trên địa bàn; kết hợp đồng bộ các giải pháp mời làm việc, cam kết, công khai thông tin, kiểm tra, thanh tra, chuyển cơ quan điều tra…

Công tác phòng chống lạm dụng, trục lợi các chế độ, chính sách cũng cần đặc biệt chú ý, bảo hiểm xã hội các tỉnh đã có nhiều giải pháp, cần tăng cường hơn nữa trong những tháng cuối năm, thực hiện rà soát hệ thống, cán bộ, làm đúng các quy trình, quy định, phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý khi phát hiện sai phạm… Toàn ngành tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; chuyển đổi số, triển khai Đề án 06, công tác truyền thông; tăng cường kỷ cương, kỷ luật.

Tại hội nghị, Tổng Giám đốc cũng đánh giá cao công tác thông tin về các kết quả của ngành trong thực hiện chính sách thời gian qua đến đông đảo người dân, người lao động, các cấp ủy, chính quyền, đại biểu quốc hội, phục vụ tốt quá trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang trình lên Quốc hội khóa XV.

Tổng Giám đốc lưu ý, các nội dung mới của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) khi được thông qua thì nhiệm vụ của ngành rất nặng nề, với nhiều đối tượng tham gia mới, nhiều biến động. Vì vậy, toàn ngành cần chủ động nghiên cứu để có giải pháp quản lý, triển khai thực hiện.