Khách mời tham gia chương trình giao lưu đến từ các phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Khu vực I. Đó là: bà Nguyễn Thị Thu Hà (Phó Trưởng phòng Quản lý Thu-Sổ, Thẻ), bà Trần Thị Mai Phương (Phó Trưởng phòng Giám định bảo hiểm y tế 2) và ông Bùi Anh Tuấn (Phó Trưởng phòng Chế độ bảo hiểm xã hội).
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Khu vực I Nguyễn Công Định cho biết, ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 thay thế Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 (sau đây gọi tắt là Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 tới đây.
Mục đích xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 là bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ bảo hiểm xã hội đối với toàn bộ lực lượng lao động.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu.
Luật cũng sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới.
Đồng thời, Luật mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 gồm 11 chương, 141 điều (tăng 2 chương và 16 điều so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014). Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung quy định của các chế độ bảo hiểm xã hội phù hợp hơn với thực tiễn, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động: Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; bổ sung quy định về hưởng chế độ ốm đau đối với trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày; người lao động được Quỹ Bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng;…
Ban tổ chức kỳ vọng, thông qua chương trình giao lưu trực tuyến, người lao động hiểu rõ hơn về các quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội, từ đó chủ động bảo vệ quyền lợi của mình, an tâm tham gia bảo hiểm xã hội, thực hiện đúng nghĩa vụ của người tham gia.
Trong thời gian giao lưu, đại diện các phòng nghiệp vụ đã tiếp nhận và trả lời trực tiếp gần 70 câu hỏi của độc giả liên quan đến chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng như quyền lợi của người lao động trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024. Các câu hỏi còn lại sẽ được ban tổ chức chuyển đến cho các đơn vị chức năng trả lời trong thời gian sớm nhất.
Theo Bảo hiểm xã hội Khu vực I, trong 2 tháng đầu năm, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên địa bàn là gần 2,18 triệu người, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là gần 106 nghìn người. Cùng với đó, có hơn 8,1 triệu người tham gia bảo hiểm y tế và gần 2,2 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Việc giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện nhanh chóng và an toàn; giải quyết kịp thời quyền lợi của người tham gia. Qua 2 tháng đầu năm, Bảo hiểm xã hội Khu vực I đã giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho 88.208 người/lượt người hưởng; chi lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng cho cho 595.085 người, số tiền 8.073 tỷ đồng. Tỷ lệ chi lương hưu, chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng qua tài khoản cá nhân đạt 99,04%. Cùng với đó, có hơn 2 triệu lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, với chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là 3.931 tỷ đồng.