Thu hút người dân đi xe buýt

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có tờ trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để đề xuất phương án tăng giá vé xe buýt. Theo nhiều ý kiến, việc tăng giá này là cần thiết bởi hiện nay, kinh phí trợ giá cho xe buýt vẫn ở mức cao và ngày càng tăng.
0:00 / 0:00
0:00

Vào năm 2018, mức trợ giá từ ngân sách là 1.697 tỷ đồng, đến năm 2022 lên tới 2.958 tỷ đồng (tăng 74%). Doanh thu từ xe buýt chỉ bằng 14% chi phí. Các khoản chi phí đầu vào liên tục tăng, cộng với chủ trương mở rộng vùng phục vụ tạo thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện công cộng, dẫn đến chi phí sẽ còn tiếp tục tăng.

Trong khi đó, giá vé xe buýt hiện được đánh giá là tương đối thấp so với khả năng chi trả của người dân. Cơ cấu vé và giá vé xe buýt được áp dụng từ ngày 1/5/2014 đến nay không còn phù hợp với sự phát triển của mạng lưới tuyến. Tại thời điểm điều chỉnh giá vé năm 2014, mạng lưới buýt có 72 tuyến và nhánh tuyến, trong đó tuyến dài nhất là 49,9 km.

Sau 10 năm, mạng lưới xe buýt đã có 132 tuyến, phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, trong đó tuyến có cự ly dài nhất lên tới 61,05 km. Các tuyến có cự ly từ 30 đến 60 km nhưng có giá vé như nhau là chưa hợp lý. Do đó, việc xây dựng lại cơ cấu vé và giá vé xe buýt là phù hợp trong giai đoạn này nhằm tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ…

Người dân ủng hộ tăng giá vé song cũng mong muốn thành phố có giải pháp để xe buýt vận hành nhanh hơn, đúng giờ hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cho rằng, mức tăng giá vé xe buýt Hà Nội đưa ra không vượt quá 10% mức thu nhập bình quân của người dân là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Thời gian tới, thành phố cần cải thiện thời gian đi lại bằng xe buýt. Việc xây dựng phương án tách làn đường riêng cho xe buýt và xây dựng hạ tầng cho người đi bộ tiếp cận với các trạm, bến xe buýt cần được quan tâm hơn nữa; từ đó mới khuyến khích người dân chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang sử dụng xe buýt nói riêng và phương tiện giao thông công cộng nói chung.

Cùng với việc đề xuất tăng giá vé, Hà Nội đang từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt. Trong đó, nhằm hợp lý hóa luồng tuyến, từ ngày 1/4/2024, Sở Giao thông vận tải Hà Nội điều chỉnh lộ trình 10 tuyến, dừng hoạt động sáu tuyến, điều chỉnh lộ trình kết hợp tần suất dịch vụ với 12 tuyến, điều chỉnh tần suất dịch vụ 43 tuyến.

Các tuyến sau điều chỉnh giúp chi phí trợ giá giảm khoảng 193 tỷ đồng/năm, song chất lượng dịch vụ vẫn bảo đảm. Bên cạnh đó, các tuyến xe buýt xanh, công nghệ thẻ vé thông minh đang được đẩy mạnh.

Về giải pháp hạ tầng, Sở Giao thông vận tải Hà Nội và đơn vị tư vấn (Trường đại học Giao thông vận tải) đã xây dựng đề án tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt, lựa chọn các tuyến đường bảo đảm hạ tầng để bố trí các đoạn, làn ưu tiên cho xe buýt.