Ðây đều là xe kinh doanh vận tải, có từ 5 lần vi phạm tốc độ trong một tháng, không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5 km/giờ trở xuống.
Nhìn vào bảng danh sách lỗi vi phạm, ai cũng phải giật mình bởi số lần tái phạm có khi lên đến cả nghìn lần trong thời gian ngắn.
Như trong tháng 1/2024, xe container mang biển kiểm soát 36H-065.92 của Hợp tác xã ô-tô Trường Hải vi phạm tới 1.486 lần; xe đầu kéo mang biển kiểm soát 36H-035.74 của Hợp tác xã vận tải xe Ðô Thành vi phạm tốc độ 1.133 lần. Một số doanh nghiệp còn có hàng chục phương tiện thường xuyên chạy quá tốc độ, thí dụ như Hợp tác xã vận tải xe Ðô Thành có tới hơn 90 phương tiện vi phạm tốc độ bị thu hồi phù hiệu, hay Hợp tác xã dịch vụ vận tải xe Ðại Nam có 41 phương tiện vi phạm tốc độ nhiều lần.
Cá biệt, xe container mang biển kiểm soát 29H-691.67 của Hợp tác xã này vi phạm tốc độ tới 803 lần trong tháng 1/2024. Ða phần các xe vi phạm chạy quá tốc độ đều là xe tải, xe đầu kéo, container, xe hợp đồng... là những loại hình phương tiện gây tai nạn rất nghiêm trọng.
Theo quy định mới nhất tại Nghị định 41/2024/NÐ-CP được áp dụng từ ngày 1/6, các xe vi phạm lỗi nêu trên sẽ bị thu hồi phù hiệu trong 30 ngày, tái phạm lần thứ hai sẽ bị thu hồi phù hiệu 60 ngày. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức xử như thế còn quá nhẹ, hơn nữa chưa nêu rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản lý, vận hành xe phục vụ kinh doanh vận tải.
Ðại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, hiện chưa có quy định nào cho phép thu hồi giấy phép kinh doanh, hoặc tạm đình chỉ doanh nghiệp có nhiều xe vi phạm tốc độ trong một tháng. Ðiều này dẫn đến việc vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn.
Ðại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân có phương tiện vi phạm phải nộp lại phù hiệu, biển hiệu về Sở. "Nghiêm cấm sử dụng phương tiện vi phạm cho hoạt động kinh doanh trong thời gian bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu", lãnh đạo Sở Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đề nghị các doanh nghiệp tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh công tác quản lý an toàn giao thông và đội ngũ lái xe, bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định; tổng hợp và báo cáo kết quả khắc phục đầy đủ, kịp thời với Sở. Nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải, sau khi nộp lại phù hiệu và khắc phục lỗi vi phạm, các đơn vị phải làm thủ tục để được cấp lại phù hiệu theo quy định.
Biện pháp hành chính là quá nhẹ so với mức độ vi phạm, cho nên, dù Sở Giao thông vận tải Hà Nội thường xuyên thu hồi phù hiệu với các phương tiện quá tốc độ, nhưng tình trạng vẫn tái diễn. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm có các biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn để chấm dứt tình trạng này, hạn chế tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.