Ngăn chặn sự bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm

Hiện nay, tại các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc, nhất là Thủ đô Hà Nội đang trong giai đoạn thời tiết nắng nóng, mưa nhiều và là cao điểm mùa du lịch. Đây là những điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm có xu hướng lây lan và gia tăng số ca mắc. Trong khi đó, với những bệnh đã có vắc-xin dự phòng thì tỷ lệ tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng lại không đạt tiến độ đề ra. Chính vì vậy, nguy cơ dịch chồng dịch luôn hiện hữu.
0:00 / 0:00
0:00

Theo Bộ Y tế, hiện nay một số dịch bệnh như: Sốt xuất huyết, ho gà, sởi đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố. Tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trong hai tuần đầu tháng 7 đã tăng hơn tháng 6. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận trong tháng 6 là từ 30 đến 80 ca/tuần, đến đầu tháng 7 đã tăng lên từ 100 đến 120 ca/tuần. Cùng với đó, số ổ dịch mới đã tăng lên nhanh chóng. Trong tuần đầu tháng 7 có thêm 11 ổ dịch sốt xuất huyết tại bảy quận, huyện: Đan Phượng, Hà Đông, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Nam Từ Liêm và Thạch Thất. Cùng với sốt xuất huyết, bệnh sởi, ho gà cũng diễn biến phức tạp do công tác miễn dịch chưa đạt yêu cầu. Tại Hà Nội, bệnh ho gà tiếp tục gia tăng, chủ yếu là ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Theo CDC Hà Nội, trong hai tuần đầu tháng 7/2024 thành phố đã ghi nhận 23 ca mắc ho gà. Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã có 173 ca mắc ho gà; trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca bệnh nào.

Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, Sở Y tế Hà Nội đề nghị, các quận, huyện, thị xã của thành phố tập trung kiểm tra, giám sát tại các xã, phường, thị trấn có tỷ lệ bỏ sót ổ bọ gậy và tỷ lệ phun hóa chất diệt muỗi chưa triệt để cao; đồng thời, duy trì thường xuyên hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy để thực hiện có hiệu quả các chiến dịch vệ sinh môi trường phòng bệnh sốt xuất huyết, bảo đảm thực hiện diệt bọ gậy ít nhất mỗi tuần một lần. Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã cần rà soát tình hình tiêm chủng để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu không sớm thực hiện các giải pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm này thì rất dễ bùng phát các ca bệnh sởi trên diện rộng vào thời gian tới, khi các em nhỏ trở lại trường trong năm học mới. Hiện nay, Bộ Y tế đang tìm nguồn vắc-xin để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin chứa thành phần sởi tại 14 tỉnh, thành phố; trong đó, tại miền bắc sẽ tiêm cho các trẻ từ 1 đến 10 tuổi nhằm ngăn chặn dịch chồng dịch ■