Kỳ vọng vào hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô

Tại kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16 đã thống nhất chủ trương phát triển đường sắt đô thị tại Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô. Mục tiêu của Đề án là phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của thành phố, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải của thành phố theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý.
0:00 / 0:00
0:00

Đề án đưa ra ba phân kỳ đầu tư. Trong đó, từ năm 2024 đến năm 2030 dự kiến sẽ hoàn thành thi công xây dựng 96,8 km (gồm các tuyến số 22, số 3, số 5); thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301 km (gồm các tuyến số 1, số 2A kéo dài đến Xuân Mai, số 4, số 6, số 7, số 8, tuyến kết nối các đô thị vệ tinh). Từ năm 2031 đến năm 2035 sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng 301 km. Từ sau năm 2030, đường sắt đô thị đảm nhận từ 35% đến 40% lượng hành khách.

Hạ tầng của Hà Nội đang quá tải. Một trong những nguyên nhân chính là do lượng phương tiện giao thông cá nhân quá lớn. Tại những đô thị hiện đại trên thế giới, giao thông công cộng là giải pháp bền vững khắc phục tình trạng quá tải. Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị có vai trò chủ lực. Tuy nhiên, đầu tư hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.

Theo đề án, đến năm 2030 thành phố có thể cân đối được khoảng 11,570 tỷ USD, trong khi nhu cầu là 14,602 tỷ USD; đến năm 2035 có thể cân đối được khoảng 16,99 tỷ USD, trong khi nhu cầu là 22,572 tỷ USD. Như vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2035, thành phố cần Trung ương hỗ trợ khoảng 8,614 tỷ USD. Mặt khác, các dự án đường sắt đô thị tại Việt Nam hiện nay sử dụng vốn ODA từ nước ngoài có ràng buộc hoặc ưu tiên sử dụng sản phẩm xuất xứ nước tài trợ; do vậy, các dự án đường sắt đô thị có sự khác nhau về công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực vận hành.

Nhìn chung, các đại biểu đều thống nhất với chủ trương phát triển đường sắt đô thị tại đề án và đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố điều chỉnh một số định hướng, quy chuẩn cho phù hợp. Hà Nội đã khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông; sắp đưa vào khai thác đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội. Người dân rất phấn khởi khi những dự án đường sắt đô thị hiện đại được đưa vào sử dụng.

Song, thực tế cũng cho thấy, hai dự án đường sắt đô thị nêu trên đều bị chậm tiến độ nhiều năm. Do đó, dù được kỳ vọng rất lớn, nhưng trước những thách thức đặt ra về vốn, về tiến độ, về tiêu chuẩn kỹ thuật của các dự án đường sắt đô thị, thành phố cần có những giải pháp đồng bộ, gồm bố trí vốn, đề xuất hỗ trợ vốn từ Trung ương, công tác giải phóng mặt bằng, lựa chọn các nhà thầu phù hợp, đào tạo nhân sự… Chỉ khi thực hiện tốt các khâu này, Đề án mới có thể trở thành hiện thực, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.