Tạo điều kiện để đón các nhà đầu tư, tập đoàn lớn

Tính đến hết tháng 6 năm 2024, Hà Nội tiếp tục là địa chỉ thu hút đầu tư vốn nước ngoài lớn của cả nước. Thành phố đã thu hút 1.165,3 triệu USD vốn FDI (tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, có 120 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đạt 1.036,5 triệu USD; 78 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 55,21 triệu USD và 104 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 73,6 triệu USD.
0:00 / 0:00
0:00

Hoạt động xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đã và đang góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu của Hà Nội đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Doanh nghiệp FDI cũng góp phần hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Hà Nội được các doanh nghiệp đánh giá cao về cơ sở hạ tầng, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, luôn sát cánh hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp.

Điều đó có được nhờ thành phố không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng phát triển nền tảng số, cắt giảm, liên thông các thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Để tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 2303/UBND-KTN về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan triển khai, tổ chức kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án theo Danh mục dự án thu hút đầu tư thành phố Hà Nội; thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu, hiệu quả thu hút đầu tư.

Các sở, ngành, đơn vị tích cực rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động…, sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư, tập đoàn lớn; đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ để tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trung và dài hạn.

Thực tế cho thấy, dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng thu hút vốn FDI của Hà Nội còn không ít nhược điểm. Các doanh nghiệp vẫn tập trung ở một số ngành có trình độ công nghệ thấp như gia công dệt may, da giày, chế biến gỗ, lắp ráp điện tử, ô-tô, xe máy... và một số ngành chế biến thực phẩm. Thành phố vẫn thiếu những doanh nghiệp lớn lĩnh vực bán dẫn, công nghệ thông tin.

Những nhược điểm này khiến nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố phải sử dụng nhiều lao động, suất đầu tư trên 1ha đất sử dụng chưa cao. Để khắc phục bất cập nêu trên, việc tạo các điều kiện để đón nhà đầu tư lớn là hết sức cần thiết và là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, của các địa phương.

Bên cạnh tập trung cải cách thủ tục hành chính theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ; xử lý nhanh, đúng quy định pháp luật các thủ tục về đầu tư, kinh doanh; chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc..., thành phố cần tăng cường tiếp xúc các nhà đầu tư, quan tâm phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, từ đó mới có thể hình thành hệ sinh thái để đón và giữ chân những doanh nghiệp lớn, có công nghệ hiện đại vào đầu tư lâu dài.