Trời nam thương nhớ đất Thăng Long...

Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời nam thương nhớ đất Thăng Long.

Hai câu thơ rất dễ thuộc, dễ nhớ, còn tác giả của nó là ai, ra đời từ bao giờ thì hầu như ít ai để ý tới. Người ta chỉ biết một cách chung chung là một người quê xứ bắc vào nam từ thời xa xưa. Nhưng thực ra hai câu thơ nói trên nằm trong bài thơ Nhớ bắc của tác giả Huỳnh Văn Nghệ sáng tác vào thời kỳ Cách mạng Tháng Tám 1945. Toàn văn bài thơ như sau:     

Ai về bắc, ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời nam thương nhớ đất Thăng Long.

Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng (*)
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu sầu xa xứ
Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn nhớ, vẫn thương mùa vải đỏ
Mỗi lần man mác hương sầu riêng

Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh nam say bước quá xa miền,
Kinh đô nhớ lại... ôi đất bắc!
Muốn trở về quê, mơ cánh tiên.

(Theo nhà văn Hoàng Văn Bồn - người đồng hương, đồng nghiệp, đồng ngũ thời kháng chiến chống thực dân Pháp đã khẳng định: Nguyên cảo bài thơ của Huỳnh Văn Nghệ là: Trời nam chứ không phải ngàn năm. Trời nam mới đúng chất của anh Tám Nghệ).

Huỳnh Văn Nghệ xuất thân không phải là nhà thơ mà là một nhà quân sự sau Cách mạng Tháng Tám ở xứ Biên Hòa - Ðồng Nai. Ông sinh năm 1914, tại xã Tân Tịch, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Bình Dương) trong một gia đình công chức nghèo. Ông được giác ngộ cách mạng từ năm 1932 ở Sở xe lửa Sài Gòn, rồi tham gia phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa 1939-1940.

Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, ông thoát ly gia đình về vùng chiến khu D tập hợp lực lượng vũ trang và trực tiếp chỉ huy cướp chính quyền ở Sài Gòn mùa thu 1945. Năm 1946, ông được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương tại chi bộ Phú Nhuận. Khi thực dân Pháp chiếm lại Sài Gòn, ông kéo quân về Tân Uyên - chiến khu D làm Chi đội trưởng Chi đội 10, rồi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 310. Thời đó ở Nam Bộ, dân thường yêu quý gọi quân của Huỳnh Văn Nghệ là "bộ đội  của anh Tám Nghệ". Ðến giữa năm 1947, làm Tư lệnh phó Khu 7.

Thời gian này, Khu 7 (miền Ðông Nam Bộ) là trọng điểm bình định của thực dân Pháp. Sau Hiệp định sơ bộ 9-3-1946, thực dân Pháp mưu sâu kế hiểm, chúng đề nghị mở một cuộc họp Pháp - Việt ở Thiên Ân (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu) Biên Hòa. Trưởng Khu 7 lúc bấy giờ là Tướng Nguyễn Bình cử một phái đoàn đại biểu của Khu đi dự họp. Ðoàn gồm bốn người: Giáo sư Lê Ðình Chi, Giáo sư Phạm Thiều, ông Võ Bá Nhạc và ông Huỳnh Văn Nghệ. Tại cuộc họp, viên đại tá Pheo-lơ - Chỉ huy trưởng quân đội Pháp ở Ðông Nam Bộ gặp Huỳnh Văn Nghệ, biết ông là tác giả bài "Nhớ bắc" liền hỏi:

- Ông là người bắc?

- Huỳnh Văn Nghệ thản nhiên gật đầu.

Ðại tá Pheo-lơ trợn mắt ngạc nhiên hỏi lại:

-Vraiment, vous êtes Tonkinois?

(Có thật ông là người bắc?)

Huỳnh Văn Nghệ từ tốn khẳng định:

Oui! Je suis Tonkinois... mais depuis trois cent ans!

(Ðúng vậy, tôi là người bắc..., nhưng từ hơn 300 năm trước !).

Câu trả lời của Huỳnh Văn Nghệ rất khôn khéo và cũng rất thâm trầm, đồng thời làm tôn vinh bài thơ Nhớ bắc của mình... và lại rất... "văn nghệ".

Cũng trong thời gian làm Phó Tư lệnh Khu 7, ông được Tư lệnh trưởng Nguyễn Bình giao cho đi gặp Bảy Viễn để lôi kéo, thuyết phục hắn mang quân về với cách mạng, thống nhất lực lượng vũ trang ở miền Ðông Nam Bộ, tăng thêm sức mạnh chống thực dân Pháp.

Bảy Viễn là một tay "anh chị" ở Sài Gòn trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Kháng chiến Nam Bộ bùng nổ, Bảy Viễn tham gia bộ đội Bình Xuyên do Dương Văn Dương chỉ huy, đóng ở rừng Sác. Sau khi Dương Văn Dương hy sinh, Bảy Viễn trở thành Chỉ huy trưởng bộ đội Bình Xuyên, biến rừng Sác thành một vùng cấm (vùng Cần Giờ hiện nay).

Huỳnh Văn Nghệ là một chỉ huy có tài ở vùng Ðông Nam Bộ. Tên tuổi ông đã gắn liền với những chiến công ở Trảng Táo, Bảo Chánh, Bầu Cỏ, La Ngà... Chính vì vậy mà Trung tướng Nguyễn Bình giao cho Huỳnh Văn Nghệ làm nhiệm vụ "điệu hổ ly sơn" - thuyết phục Bảy Viễn về với cách mạng, được giao làm Khu trưởng Khu 7 thay Trung tướng Nguyễn Bình.

Huỳnh Văn Nghệ đã đơn thương, độc mã vào rừng Sác gặp Bảy Viễn.

Ông gặp Bảy Viễn và nói: "Anh được đề bạt (Khu trưởng Khu 7) là vinh dự cho cả giới giang hồ đi theo kháng chiến. Làm Khu trưởng, anh sẽ quy tụ thêm anh hùng hào kiệt để quân ta ngày thêm đông, lực lượng kháng chiến càng thêm mạnh...".

Tám Nghệ cười sảng khoái rồi nói tiếp:

- "Cọp ở đâu cũng là cọp... Hắc hổ Bảy Viễn ở rừng Sác hay ở Tháp Mười vẫn là cọp. Không lẽ cọp trên rừng về đồng thành chồn?"...

Với uy phong, trí dũng của Huỳnh Văn Nghệ, Bảy Viễn... đã cúi đầu nâng ly rượu mời cạn chén... chấp thuận về Ðồng Tháp với cách mạng...

Ðến năm 1953, Huỳnh Văn Nghệ được Trung ương điều ra Chiến khu Việt Bắc. Ông được bổ nhiệm làm Cục phó Cục Quân huấn Bộ Tổng tham mưu, cho đến năm 1965 được điều sang công tác ở Tổng cục Nông nghiệp. Với cương vị Tổng cục phó Tổng cục Nông nghiệp, ông được trở về nam chiến đấu. Về Nam Bộ, ông được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban căn cứ Trung ương Cục miền nam. Ðến năm 1973, được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Lâm nghiệp R, rồi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp miền nam năm 1975. Sau khi đất nước được thống nhất, ông được giữ chức Thứ trưởng Lâm nghiệp và đã qua đời tại Bệnh viện Thống Nhất ngày 5-3-1977.

Hiện ông an nghỉ tại nghĩa trang gia đình ở quê hương: Huyện Tân Uyên, bên bờ sông Ðồng Nai. Trên tấm bia, dưới ảnh chân dung ông có đề hai câu thơ:

Xin gửi lại bài thơ trên cát trắng
Và chiều nay tôi sang bến lên đường

Giá mà trên tấm bia mộ ông khắc thêm hai câu:

Từ thuở mang gươm đi mở cõi

Trời nam thương nhớ đất Thăng Long...

thì mới thật là... trọn nghĩa vẹn tình với đất Thăng Long ngàn năm văn hiến..., mới xứng danh một người văn võ song toàn của một nhà thơ chiến sĩ đất Thành Ðồng Nam Bộ.

Ðể ghi nhận những đóng góp của Huỳnh Văn Nghệ cho sự nghiệp cách mạng và văn chương, Nhà nước đã truy tặng ông Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (đợt 2), đồng thời truy tặng nhà thơ, chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ Huân chương Ðộc lập hạng nhất.

...........................................

(*) Nguyễn Hoàng là em vợ Trịnh Kiểm, được phái vào trấn ải ở đất Thuận Hóa (nay là Thừa Thiên-Huế) từ năm 1558.

Trần Ấm