Tại Hội thảo “Ðường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân” được Liên hiệp các Hội khoa học-kỹ thuật Hà Nội, Hội Cầu đường Hà Nội và Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức mới đây, các đại biểu nhất trí cho rằng, hiện nay, hạ tầng giao thông của thành phố đã quá tải trầm trọng, nhất là khu vực nội đô và các trục xuyên tâm thành phố. Ðể giảm thiểu phương tiện cá nhân, khắc phục ùn tắc giao thông, tất yếu phải đầu tư cho vận tải hành khách công cộng. Trong đó, mạng lưới đường sắt đô thị phải là xương sống của hệ thống giao thông công cộng. Vì vậy, việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị là rất cần thiết.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Ðường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông được đưa vào sử dụng đã mang đến những trải nghiệm mới cho người dân, đặt dấu mốc cho việc bắt đầu loại hình vận tải công cộng tiên tiến, hiện đại. Lượng khách đi tàu đạt theo kịch bản tốt nhất. Cụ thể, ngày bình thường tuyến vận chuyển từ 35.000 đến 36.000 khách, ngày cuối tuần từ 24.000 đến 26.000 khách. Giờ cao điểm đạt từ 6.000 đến 8.000 khách/giờ. Tỷ lệ sử dụng vé tháng mỗi ngày khoảng 70%. Nhiều người chia sẻ, từ khi đi làm bằng đường sắt đô thị đã hình thành thói quen đi bộ, tốt cho sức khỏe.
Song, theo ông Vũ Hồng Trường, để đường sắt đô thị giữ vị trí ngày càng quan trọng, các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, cũng như ưu đãi để tạo động lực và thúc đẩy cho việc triển khai phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) cần rõ nét, đầy đủ hơn nữa. Ngoài mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị còn cần có sự hỗ trợ của xe buýt, taxi và các loại hình vận tải hành khách công cộng khác, bảo đảm cho người dân đi lại thuận tiện, tạo thành hoạt động vận tải toàn diện.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành 400 km đường sắt. Ðể làm được điều đó cần có chính sách đột phá. Thời gian qua, Hà Nội đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức nhiều cuộc hội thảo ở các cấp khác nhau, các ngành khác nhau về các lĩnh vực của Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Hà Nội sẽ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), đầu tiên sẽ ưu tiên cho đường sắt đô thị vì đường sắt đô thị có nhiều ưu điểm: Giảm ùn tắc giao thông, vận tải khối lượng lớn, giúp tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm không khí và tốc độ di chuyển nhanh giúp tiết kiệm thời gian…
Nguyên Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng kiến nghị, muốn phát triển đường sắt đô thị phải triển khai đồng bộ công tác quy hoạch, bảo đảm quy hoạch đi trước. “Trong bối cảnh chúng ta đang điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, trong đó có hệ thống đường sắt, cần nghiên cứu và chuẩn hóa quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị, làm rõ số tuyến xây dựng và có kế hoạch thực hiện bảo đảm khả thi”, ông Lê Quang Hùng chia sẻ.
Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến chậm tiến độ các dự án vừa qua là công tác giải phóng mặt bằng, vì vậy một số chuyên gia đề nghị Hà Nội cần nghiên cứu tách phần giải phóng mặt bằng của dự án đường sắt đô thị thành một dự án thành phần riêng và triển khai thực hiện độc lập trước dự án chính một thời gian thích hợp, để khi dự án chính triển khai thi công thì đã cơ bản có mặt bằng sạch. Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Ðường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường nhận định: “Muốn phát triển đường sắt đô thị hoàn chỉnh trong 10-20 năm tới, Hà Nội không thể trông đợi vào tư duy thông thường hay tư duy đặc thù, mà phải là tư duy đột phá”.
Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho rằng, phải xây dựng cơ chế, phương án đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Ngoài ra, cần quan tâm việc huy động nguồn vốn đầu tư, nguồn lực từ đất trong các khu vực TOD được quy hoạch; về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư… Có như vậy, nhiệm vụ phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội mới đạt mục tiêu đề ra.