Công ty TNHH Lixil Việt Nam (huyện Gia Lâm, Hà Nội) chuyên sản xuất sứ, sử dụng nguyên liệu từ đất đá. Vì vậy, công việc khá nặng nhọc, quá trình sản xuất phát sinh nhiều bụi bặm, nóng bức.
Để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, công ty đã đầu tư kinh phí cải thiện môi trường làm việc, thực hiện quan trắc môi trường hằng quý, hằng năm, qua đó, nắm bắt các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân, người lao động.
Đơn vị này còn đầu tư hàng trăm tời nâng điện giúp giảm thao tác mang vác vật nặng, lắp đặt điều hòa công suất lớn tại các khu vực làm việc có nhiệt độ cao, trang bị quạt thông gió, thiết bị che chắn quanh các máy móc có nguy cơ gây tai nạn... Đồng thời, xây dựng nhiều phòng nghỉ trưa, nghỉ giữa giờ cho công nhân.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Lixil Việt Nam Đinh Quốc Toản cho biết: “Nhờ chú trọng công tác bảo đảm an toàn lao động, thời gian qua, tại công ty không xảy ra tai nạn lao động gây chết người; không có sự cố kỹ thuật, cháy nổ nghiêm trọng, không có người mắc bệnh nghề nghiệp. Người lao động hình thành được thói quen, ý thức tự giác trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”.
Có thể nói, công tác an toàn, vệ sinh lao động là việc quan trọng đối với bất cứ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nào. Không chỉ liên quan sức khỏe, tính mạng con người, việc giữ gìn an toàn, bảo đảm vệ sinh lao động còn góp phần tăng năng suất, đóng góp tích cực cho sản xuất, kinh doanh.
Các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động. Năm 2023 đã có 233.845 người lao động được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, nhất là trong những ngành nghề, lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Anh Nguyễn Viết Quỳnh, kỹ thuật viên sửa chữa chung, Công ty TNHH Toyota Thanh Xuân cho biết: “Hằng năm, công ty đều đào tạo về an toàn lao động cho cán bộ, nhân viên và yêu cầu thực hiện nghiêm túc. Ai làm sai sẽ bị phạt rất nặng, cho nên mọi người đều tự giác chấp hành”.
Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn một số đơn vị, doanh nghiệp, công trình xây dựng còn chưa quan tâm nhiều đến công tác an toàn, vệ sinh lao động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động.
Quận Thanh Xuân có gần 11.000 doanh nghiệp, 7.800 hộ kinh doanh với hơn 200.000 người lao động. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hòa cho biết, trong năm 2023, quận đã kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động đối với 55 lượt doanh nghiệp, hộ gia đình có công trình xây dựng, tiến hành xử phạt 12 cơ sở với tổng số tiền hơn 215 triệu đồng.
Năm 2023, Hà Nội xảy ra 296 vụ tai nạn lao động làm 300 người lao động bị nạn. So với năm 2022, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng có người chết tăng 10 vụ, số người chết tăng 11 người, số người bị thương nặng giảm 5 người.
Các vụ tai nạn lao động vẫn chủ yếu là do bị ngã từ trên cao xuống hoặc bị vật rơi từ trên cao trúng người xảy ra trong ngành xây dựng (chiếm 69,1%), trong sản xuất lắp ráp cơ khí (chiếm 23,8%),...
Hầu hết nạn nhân của các vụ tai nạn là lao động phổ thông, ký hợp đồng lao động thời hạn dưới một tháng, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều đơn vị, doanh nghiệp, công trình xây dựng, nhất là các công trình sửa chữa, xây mới nhỏ lẻ tại các hộ dân còn chủ quan, chưa quan tâm nhiều đến công tác an toàn vệ sinh lao động.
Các vụ tai nạn lao động gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước và của doanh nghiệp chưa được xử lý nghiêm, chủ yếu dừng lại ở xử lý hành chính. Công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện những quy định về an toàn vệ sinh lao động vẫn còn hạn chế.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động là việc làm thường xuyên, liên tục.
Các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, Công đoàn các cấp, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, công nhân, người lao động cần tiếp tục đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Các đơn vị cần tập trung tổ chức các hoạt động chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động và hoạt động cộng đồng có sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động; tổ chức các hoạt động tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện điều kiện lao động; tổ chức các hội thảo, hội thi, hội nghị sơ kết, tổng kết về an toàn lao động...
“Các cấp ngành, tổ chức Công đoàn cần tăng cường thực hiện thanh tra kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại các đơn vị, doanh nghiệp” -lãnh đạo thành phố Hà Nội nhấn mạnh.