Xây dựng, cải tạo chợ dân sinh tại huyện Thanh Trì

Với mục tiêu phát triển hạ tầng thương mại, từng bước hoàn thiện mạng lưới chợ, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đang huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng mới, cải tạo chợ dân sinh trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc chợ tạm Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì.
Một góc chợ tạm Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì.

Thôn Triều Khúc, xã Tân Triều là địa bàn có mật độ dân cư tập trung đông đúc, trong đó có nhiều người đến thuê nhà trọ sinh sống. Tuy nhiên, cả thôn chỉ có một chợ tạm được bố trí ngay cạnh đình làng để phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân.

Mặc dù công tác quản lý chợ tạm ngày càng đi vào nền nếp, nhưng do diện tích đất nhỏ hẹp, nằm giữa khu dân cư đông đúc, dẫn đến việc đi lại của người dân bị ảnh hưởng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, khiến nhiều người dân lo lắng.

Anh Triệu Văn B, người dân sinh sống cạnh chợ chia sẻ: Ở gần chợ rất thuận lợi trong việc mua bán hàng hóa, nhưng do đây chỉ là chợ tạm cho nên hạ tầng xuống cấp, không được đầu tư cải tạo, nâng cấp thường xuyên. Các ki-ốt bán hàng nhỏ hẹp, hàng hóa thường xuyên lấn chiếm lối đi lại của người dân.

Đặc biệt, chợ tạm bố trí ngay cạnh Đình làng Triều Khúc, một di tích văn hóa lịch sử đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia, gây nhếch nhác đô thị, ảnh hưởng đến vẻ đẹp kiến trúc đặc sắc của ngôi đình và tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Người dân rất mong muốn chợ tạm sớm di chuyển đến địa điểm đã được quy hoạch, nhưng đến nay chưa triển khai.

Tại huyện Thanh Trì có 22 chợ, trong đó có hai chợ hạng một; 20 chợ hạng ba; hai chợ tạm tại thôn Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai và thôn Triều Khúc, xã Tân Triều đang hoạt động.

Thời gian qua, công tác quản lý hoạt động chợ có chuyển biến tích cực. Các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức giải tỏa các điểm bán hàng rong không bảo đảm quy định; xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ hoạt động tại các chợ về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, tuyên truyền, vận động người dân kinh doanh đúng nơi quy định...

Nhờ đó, đến năm 2023, huyện đã có năm chợ đạt tiêu chí chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm. Việc hình thành mạng lưới thương mại đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động.

Một số chợ kinh doanh tốt, số người buôn bán trong chợ tăng lên so với các năm trước đây, như chợ Quỳnh Đô, Thanh Liệt, Cầu Bươu..., làm tăng mức lưu chuyển hàng hóa, tăng thu cho ngân sách địa phương, góp phần tích cực trong phát triển thương mại dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tất cả chợ đã thành lập đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và được đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo quy định, được trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu. Công tác an toàn thực phẩm tại chợ từng bước được thực hiện tốt hơn khi tất cả hộ kinh doanh ký cam kết an toàn thực phẩm và được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.

Thực hiện Chương trình số 03 của Thành ủy Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2025.

Kế hoạch tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn thành phố một cách tổng thể, đồng bộ cả ở các quận, năm huyện dự kiến thành quận gồm Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, và thị xã Sơn Tây.

Trong kế hoạch này, giai đoạn 2024-2025, huyện Thanh Trì đầu tư xây dựng mới ba chợ, gồm chợ Triều Khúc tại thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, chợ Nội Am tại xã Liên Ninh và chợ Huỳnh Cung tại thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp.

Theo đại diện Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì, cả ba chợ nằm trong kế hoạch đầu tư xây dựng mới đều huy động xã hội hóa. Địa điểm, diện tích dự kiến, nguồn vốn đầu tư, quy mô đầu tư, tiến độ thời gian, nguồn gốc đất đai... đã được xác định cụ thể, rõ ràng.

Thời gian tới, Ủy ban nhân dân huyện sẽ tập trung hoàn thành kế hoạch phát triển chợ đúng tiến độ, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; bảo đảm thuận lợi cho người dân khi kinh doanh và mua bán tại chợ hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương.