Sáng ngời ký ức Điện Biên Phủ

Giành chiến thắng trên chiến trường Điện Biên Phủ, Việt Nam còn thể hiện tinh thần nhân đạo với các tù binh Pháp. Chứng kiến những khó khăn gian khổ của quân đội, nhân dân ta, chứng kiến tình người ấm áp, chính những tù binh Pháp cũng hiểu hơn về cuộc kháng chiến của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Khách tham quan trưng bày Khoảng trời mới.
Khách tham quan trưng bày Khoảng trời mới.

Những câu chuyện ấy được tái hiện tại di tích Nhà tù Hỏa Lò đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Hà Nội những ngày đầu tháng 5 rực rỡ cờ hoa chào mừng 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong không khí ấy, Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề “Khoảng trời mới”.

Ở phần trưng bày thứ nhất, với chủ đề “Chín năm làm một Điện Biên”, công chúng hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến trường kỳ mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những hình ảnh, tư liệu và hiện vật đã kể lại những mốc sự kiện chính từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1946, bối cảnh cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Phần trưng bày này cũng giới thiệu những mốc lịch sử chính của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Cuộc chiến đấu kiên cường 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô cuối năm 1946, đầu năm 1947; chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông (1947) - chiến dịch đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp; chiến dịch Biên giới (1950) - chiến dịch đánh dấu thời kỳ chủ động tiến công của quân ta...

Đỉnh cao của cuộc kháng chiến là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Pháo đài bất khả xâm phạm của quân Pháp bị tiêu diệt hoàn toàn, đã gây chấn động dư luận quốc tế. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ khiến Pháp phải ký Hiệp định Geneva, công nhận nền độc lập của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Điều đặc biệt trong các nội dung trưng bày là câu chuyện về những binh lính, sĩ quan Pháp bị quân ta bắt làm tù binh trên chiến trường ở phần trưng bày “Những trang hồi ức”.

Các hình ảnh, tư liệu cho thấy tinh thần nhân đạo của Việt Nam với tù binh. Không những được cứu chữa khi bị thương, chăm sóc khi ốm đau, mà tù binh Pháp còn được bảo đảm chế độ sinh hoạt, được nhận thư nhà, có điều kiện giải trí cho đến ngày được trao trả về nước.

Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã giới thiệu chia sẻ của Trung úy Louis Stien, một tù binh Pháp: “Chúng tôi chăn nuôi gà. Ở đây chúng tôi cũng được sự giúp đỡ của phía Việt Nam. Ban quản trị cho chúng tôi mượn một số lượng gà để chăm.

Sáu tháng sau, chúng tôi trả lại cùng số lượng đó và giữ lại cho mình sự chênh lệch trọng lượng. Sau đó chúng tôi cho ấp trứng. Ở đây thật là hấp dẫn vì được chăm sóc và trông thấy gà con lớn lên và trở thành những gà mái, gà trống”.

Chính đàn gà này đã giúp các tù binh cải thiện bữa ăn của họ. Sự nhân đạo của ta đã cảm hóa nhiều sĩ quan, binh lính. Sau này không ít người trở thành “sứ giả” tuyên truyền về Việt Minh, về đất nước Việt Nam.

Tham quan các gian trưng bày, bà Lê Thị Thoa (phố Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Tôi đã được xem nhiều hình ảnh, tư liệu về kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng đây là lần đầu tôi biết đến chính sách nhân đạo của ta đối với tù binh. Tôi rất xúc động khi biết đó là chủ trương của Trung ương và Bác Hồ”.

Trái ngược với tinh thần nhân đạo của quân ta, tại các nhà tù thực dân được xây khắp đất nước, các chiến sĩ cách mạng phải trải qua cuộc sống đọa đày dưới đòn roi tra tấn và sự thiếu thốn đủ bề.

Năm 1954, ngoài Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5, Hiệp định Geneva được ký kết ngày 21/7/1954, còn có một sự kiện khác, đó là sự kiện trao trả tù binh của Việt Nam và Pháp theo nội dung Hiệp định Geneva vào tháng 8/1954.

Trong khi Chính phủ Việt Nam nghiêm túc thực hiện trao trả toàn bộ tù binh theo từng đợt, trước hết là những người bị thương nặng, tiếp đến là những người bị thương nhẹ, bị ốm, thì phía Pháp cố ý trì hoãn, không trao trả đúng quy định, thậm chí trao trả người không có tên trong danh sách hoặc có tên mà không có người...

Trước tinh thần đấu tranh của các tù binh, tù chính trị, cùng sự ủng hộ của quân và dân địa phương, quân đội Pháp đã buộc phải trao trả theo thỏa thuận của Hội nghị Quân sự Trung Giã. Những nội dung này được thể hiện ở phần trưng bày “Trao trả”.

Chiến tranh đã lùi xa. Những ký ức vẫn luôn ngời sáng. Theo đại diện Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, trưng bày “Khoảng trời mới” thay một lời tri ân với thế hệ đi trước, đồng thời, để thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về những cống hiến, hy sinh của cha anh cho nền hòa bình, độc lập hôm nay.