Người lính già lập bảo tàng tri ân đồng đội

Nằm ở thôn Nam Quất (xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), gần 20 năm qua, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng. Để có được bảo tàng ấy, ròng rã gần 40 năm qua, thương binh hạng 1/4 Lâm Văn Bảng đã đi khắp đất nước để sưu tầm kỷ vật. Ông còn bán cả đất, cả nhà để xây dựng bảo tàng với tâm nguyện duy nhất là tri ân đồng đội.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Lâm Văn Bảng (người ngoài cùng bên trái) giới thiệu hiện vật với du khách.
Ông Lâm Văn Bảng (người ngoài cùng bên trái) giới thiệu hiện vật với du khách.

Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng sinh năm 1943 ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ông nhập ngũ năm 1965. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, ông bị địch bắt và giam ở nhà lao Biên Hòa, rồi đày ra nhà tù Phú Quốc. Năm 1973, ông cùng nhiều đồng đội được trao trả theo Hiệp định Paris.

Trở về cuộc sống đời thường nhưng quãng thời gian bốn năm tám tháng bảy ngày trong nhà tù Phú Quốc vẫn luôn đeo đẳng trong tâm trí và thể xác ông. Đó là những vết thương trên da thịt, dấu tích của những đòn tra tấn dã man của kẻ thù vẫn hành hạ ông những khi trái gió trở trời. Hình ảnh đồng đội bị đánh gãy chân tay, bị đổ xà-phòng sôi vào miệng, bị giam trong những chiếc chuồng cọp… cứ hiển hiện trước mắt ông như vừa mới xảy ra ngày hôm qua.

Rồi những lời gửi gắm của những chiến sĩ đã ngã xuống cứ bám riết tâm trí ông. “Tôi mong muốn được đem tất cả những gì là sự thật đằng sau cánh cửa xà lim của kè thù để kể với thế hệ hôm nay. Ở đó không chỉ có sự dã man, tàn bạo của kẻ địch, mà còn là tinh thần chiến đấu kiên trung của những người lính luôn tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng” - ông Bảng bùi ngùi chia sẻ.

Từ mong muốn tột bậc ấy, năm 1985, ông Bảng bắt đầu lên đường đi sưu tầm hiện vật. Bước chân của ông đã đặt tới khắp các nhà tù của chế độ cũ trên cả nước. Hành trình đó không chỉ lấy của ông thời gian, sức lực, mà còn tiêu tốn biết bao tiền bạc mà ông đã dành dụm cả đời. Thế nhưng ông chưa bao giờ nản chí. Không chỉ khó khăn về kinh phí, quá trình để sưu tầm được hiện vật cũng rất đỗi gian nan.

“Có những hiện vật chúng tôi phải cất công đi lại mười mấy lần để thuyết phục chủ nhân tặng cho bảo tàng. Có hiện vật được gia đình đặt trên bàn thờ, chúng tôi không chỉ thành kính xin người đã khuất, mà còn phải làm cả công tác tư tưởng để thân nhân ủng hộ mà tin tưởng trao tặng”, ông Bảng nhớ lại.

Ròng rã gần 20 năm rong ruổi, đi tìm kỷ vật, năm 2004, ông Bảng lập một phòng truyền thống với diện tích 12 m2 để trưng bày những hiện vật mà ông đã sưu tầm được. Sau đó, ông đã thuyết phục được gia đình hiến hơn 2.000 m2 để xây dựng bảo tàng. Tháng 10/2006, bảo tàng của ông Bảng được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) ký quyết định thành lập và công nhận.

Ngày 16/11/2006, bảo tàng chính thức đi vào hoạt động. Đến nay, bảo tàng đang trưng bày, lưu giữ hơn 5.000 hiện vật, hình ảnh, tư liệu, gần 6.000 cuốn sách, tái hiện sự khốc liệt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta và tinh thần bất khuất, kiên trung của các chiến sĩ cách mạng, đặc biệt là những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày.

Điểm khác biệt ở nơi đây so với các bảo tàng khác là hoạt động với phương châm “4 tự” (tự nguyện, tự túc, tự quản, tự chịu trách nhiệm). Hiện nay, bảo tàng có 12 cán bộ, nhân viên đều là các cựu chiến binh, trong đó có tới sáu người từng là những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày năm xưa.

Suốt 10 năm qua, những người dân thôn Nam Quất đã quá đỗi quen thuộc với hình ảnh một người lính mặc quân phục chỉnh tề, đi bộ chậm rãi từ điểm dừng xe buýt ở đường lớn vào Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Đó chính là ông Nguyễn Đình Quốc. Nhà ở tận quận Hoàng Mai, dù trời nắng hay mưa, ông vẫn đều đặn tới bảo tàng để phục vụ.

Từng là một người lính bị địch bắt, tù đày, cho nên ngay lần đầu tiên ghé thăm bảo tàng vào năm 2014, ông Quốc đã vô cùng xúc động. Ông chia sẻ: “Năm nay tôi đã bước sang tuổi 83, thời gian còn lại, còn bao nhiêu sức lực, tôi cũng nguyện đóng góp cho bảo tàng, bởi đây chính là ngôi nhà thứ hai của tôi”.

Bảo tàng còn thu hút hơn 20 tình nguyện viên vì quý mến tấm lòng và việc làm của ông Bảng mà tham gia hỗ trợ phục vụ bảo tàng. Với họ đây là việc làm thiết thực tri ân công lao của lớp người đi trước, những người đã không tiếc máu xương để đổi lấy hòa bình.

Sau 18 năm đi vào hoạt động, bảo tàng đã đón hàng chục triệu lượt khách tham quan, tổ chức hàng trăm buổi giao lưu với các nhân chứng lịch sử ở các trường học. Bảo tàng trở thành địa chỉ đỏ giáo dục về nguồn. Các thế hệ học sinh, các lứa học viên trong lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng của nhiều địa phương đều về đây, đứng trước đền thờ liệt sĩ dâng hương, xúc động trước anh linh của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trong nhiều năm qua, ông Bảng còn đứng ra vận động, quyên góp để giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều căn nhà tình nghĩa đã được xây dựng và trao tặng. Nhiều suất quà gồm cả tiền mặt và hiện vật được gửi tới những người lính và thân nhân của họ. Ông Bảng thành lập Ban liên lạc truyền thống con liệt sĩ huyện Phú Xuyên. Ông muốn thay cho những đồng đội đã ngã xuống để gánh vác trách nhiệm của một người cha với những đứa con của mình, là chỗ dựa tinh thần để các con tiếp tục noi gương xây dựng quê hương, đất nước.

Ở tuổi xưa nay hiếm, mái tóc đã bạc trắng, bước đi đã khó khăn, nhưng những dự định để phát triển bảo tàng vẫn cháy hừng hực trong huyết quản của thương binh Lâm Văn Bảng. Điều mong mỏi lớn nhất, thường trực trong ông là bảo tàng ngày càng được nhiều người biết tới và những hy sinh của đồng đội được khắc ghi muôn đời.