Kể chuyện di sản phố cổ bằng ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại

Khu phố cổ Hà Nội chỉ rộng khoảng 80 ha, nhưng trong lòng nó chứa biết bao câu chuyện từ quá khứ. Phố cổ có nhiều di tích nằm ngay trong lòng những con phố nhỏ, ngõ nhỏ, rất dễ bị “ngủ quên”. Tuy nhiên, những dự án nghệ thuật đã góp phần đánh thức những di sản ấy thông qua ngôn ngữ nghệ thuật đương đại.
0:00 / 0:00
0:00
Ngôi đình Phả Trúc Lâm, một di tích nhỏ nằm khiêm nhường trong phố cổ trở nên sống động hơn nhờ những hoạt động nghệ thuật.
Ngôi đình Phả Trúc Lâm, một di tích nhỏ nằm khiêm nhường trong phố cổ trở nên sống động hơn nhờ những hoạt động nghệ thuật.

Nằm ở số 40 phố Hàng Hành, đình Phả Trúc Lâm là một di tích khá khiêm tốn. Người ta rất dễ bỏ qua di tích này bởi đây là tuyến phố nhiều khách sạn, hàng quán sầm uất. Ðình Phả Trúc Lâm thờ tổ nghề làm da giày, một nghề không quá nổi bật so với nhiều nghề thủ công khác trong 36 phố phường Hà Nội xưa. Trong cái tên của ngôi đình, “Phả” có nghĩa là “gốc”, còn Trúc Lâm là tên một thôn thuộc xã Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương).

Trúc Lâm có nghề làm da giày nổi tiếng. Những người thợ Trúc Lâm đến Thăng Long lập nên phường thợ và xây dựng đình Phả Trúc Lâm để thờ tổ nghề của mình, gồm bốn vị là Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung và ba vị khác là Phạm Thuần Chánh, Phạm Ðức Chính và Nguyễn Sĩ Bân. Ðình Phả Trúc Lâm trở thành một điểm đến nghệ thuật khi triển lãm “Chuyện đình trong phố: Câu chuyện da giày” được tổ chức.

Triển lãm là tập hợp tác phẩm của nhiều họa sĩ với chất liệu đa dạng, nhưng chủ đề chung được lấy cảm hứng từ câu chuyện về nghề làm da giày. Tại triển lãm, người ta chú ý đến những đôi hài được cách điệu trong các tác phẩm của họa sĩ Vũ Xuân Ðông và Phạm Hùng Anh. Trong đó, họa sĩ Vũ Xuân Ðông mang đến một bộ gồm năm bức tranh giấy dó với cảm xúc về những công đoạn làm giày, hài của người xưa. Tác phẩm khơi gợi ký ức về các công đoạn làm nghề, từ khâu chọn vải, đóng đế, ép khuôn, thêu hoa văn… đến cảnh thôn nữ, vương phi… ướm thử đôi hài mới để dự hội.

Họa sĩ Phương Linh mang đến triển lãm hai tác phẩm bằng phấn trên giấy điệp, họa đôi hài nữ với cảm hứng từ đôi hài mũi nhọn mà các bà, các mẹ ngày xưa thường dùng khi ra chợ. Chị chia sẻ: “Với các tác phẩm của mình, tôi muốn đưa công chúng về với thời xa xưa, với nét văn hóa hết sức độc đáo của người phụ nữ Việt Nam. Dù xã hội có phát triển đến đâu thì bản sắc văn hóa truyền thống vẫn cần được gìn giữ, phát huy”. Các họa sĩ đã mang đến một câu chuyện sinh động, có hình ảnh, dễ mường tượng để đưa công chúng về với ký ức xa xưa, cũng như đánh thức đình Phả Trúc Lâm, một di tích nằm nép mình trong con phố nhỏ.

Ðến với khu phố cổ, người ta thường nghĩ ngay đến những di tích nổi tiếng như: Ðình Kim Ngân, Ô Quan Chưởng, đình Nam Hương, đình Yên Thái… Tuy nhiên, trong những con phố, con ngõ nhỏ lắt léo ấy, còn cả một “kho” di sản mà không phải ai cũng biết đến. Phố cổ đặc trưng bởi những phố nghề. Người dân các làng nghề khi về với Thăng Long-Kẻ Chợ lập nên những ngôi đình thờ tổ nghề của họ. Có những di tích đã phôi pha theo năm tháng, phôi pha trong cả ký ức cộng đồng, nhất là những di tích nằm sâu trong ngõ nhỏ, phố nhỏ. Nhưng dự án Chuyện đình trong phố do Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm phối hợp với các nghệ sĩ đã đánh thức nhiều di sản chưa được nhiều người biết đến như thế.

Trước triển lãm “Chuyện đình trong phố: Câu chuyện da giày”, đã có một triển lãm khác trong chuỗi hoạt động của dự án kể về những ngôi đình nằm nép mình trong những con phố nhỏ, đó là đình Tú Thị và đình Hà Vỹ. Ðình Tú Thị là một di sản nằm khiêm nhường trên con phố Yên Thái. Tú Thị có nghĩa là chợ thêu. Ðình Tú Thị là công trình tín ngưỡng thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành (1606-1661). Ông là người làng Quất Ðộng, huyện Thường Tín, có công trong việc sáng tạo và phát triển nghề thêu của Việt Nam.

Những người thợ thủ công làng Quất Ðộng đã di cư vào Thăng Long lập nghiệp và xây dựng một ngôi đình để thờ tổ nghề Lê Công Hành vào năm 1891. Tại đình Tú Thị, Ban tổ chức trưng bày các tác phẩm tranh lụa kết hợp kỹ thuật thêu tay, trưng bày nhiều sản phẩm thêu tay đặc sắc của làng Quất Ðộng và các thương hiệu ở phố Hàng Gai gần đó. Số lượng không lớn, nhưng các tác phẩm lại thể hiện hàng chục kỹ thuật thêu khác nhau, cho công chúng thấy được sự sáng tạo của các nghệ sĩ cũng như sự phong phú của kỹ thuật thêu cổ truyền.

Ðình Hà Vỹ chỉ cách đình Tú Thị một quãng ngắn, trên con phố Hàng Hòm. Ðình Hà Vỹ từng bị lấn chiếm gần hết không gian và chỉ mới được tôn tạo, tu bổ, trả lại vẻ đẹp trong thời gian gần đây. Chính bởi lý do này, nên đình Hà Vỹ cũng chưa được nhiều người biết đến. Nhưng triển lãm Chuyện đình trong phố đã đưa những chuyện xưa trở lại cộng đồng. Ðình Hà Vỹ là nơi thờ ông tổ nghề sơn Trần Lư (1470-1540), người làng Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Tại triển lãm, hàng trăm tác phẩm, với những sắp đặt nghệ thuật đã kể cho công chúng câu chuyện về sơn ta và sự phát triển của nghề, sự thăng hoa của nghề sơn, nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

Giám tuyển nghệ thuật của dự án Chuyện đình trong phố là nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn. Anh là người có nhiều năm tâm huyết với đánh thức di sản phố cổ. Ðồng hành với anh là nhiều nghệ sĩ, nhờ thế, những dự án nghệ thuật tại các di sản trong phố cổ tiếp tục được triển khai, hình thành nên “bản đồ nghệ thuật” phố cổ, gắn kết những không gian văn hóa, đem chuyện xưa vào đời sống đương đại.