Khẩn trương hoàn thành các công trình trọng điểm

Giai đoạn 2021-2025, theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, Hà Nội sẽ triển khai 39 công trình trọng điểm với tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 360.980 tỷ đồng thuộc 10 lĩnh vực. Hiện đã gần đến thời hạn kết thúc giai đoạn nhưng nhiều dự án trọng điểm triển khai còn chậm, đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công.
0:00 / 0:00
0:00
Công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để bàn giao và đưa vào sử dụng trong tháng tới. (Ảnh HỮU HƯNG)
Công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để bàn giao và đưa vào sử dụng trong tháng tới. (Ảnh HỮU HƯNG)

Dự kiến ngay trong năm 2024, một số công trình trọng điểm trên địa bàn Hà Nội sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cung Thiếu nhi Hà Nội có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, khởi công tháng 3/2021 đang khẩn trương hoàn tất nốt những công đoạn cuối cùng để bàn giao và đưa vào sử dụng ngay trong tháng tới.

Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội-giai đoạn 1, đến cuối tháng 3/2024 cũng đã giải ngân được 45,4% kế hoạch vốn. Công trình có tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, quy mô gồm một khối nhà cao sáu tầng có hai đơn nguyên với năng lực thiết kế 200 giường bệnh nội trú. Dự kiến, trong quý III năm nay, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, trong số 39 dự án công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025, có 32 dự án sử dụng vốn ngân sách (chưa kể các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang), một dự án đầu tư theo hình thức PPP và sáu dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Đến thời điểm này, trong số các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đã có một dự án hoàn thành là cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; 15 dự án đang triển khai thực hiện; 13 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được phê duyệt dự án; sáu dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, đang tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Đối với một dự án sử dụng vốn PPP là tuyến đường vành đai 2 trên cao, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, đã hoàn thành năm 2022. Còn sáu dự án xã hội hóa, thì đã có bốn dự án được quyết định chủ trương đầu tư; một dự án đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt chủ trương đầu tư; một dự án chưa có hồ sơ đề xuất. Giai đoạn 2021-2023, kết quả giải ngân các dự án trọng điểm này đạt 70,8% kế hoạch được giao. Riêng kế hoạch vốn năm 2024 đến ngày 15/4/2024, đã giải ngân hơn 1.968 tỷ đồng, đạt 11,9% kế hoạch năm.

Theo lãnh đạo thành phố, thời gian qua, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn, một số dự án đã hoàn thành, góp phần thay đổi diện mạo Thủ đô. Tuy nhiên, đánh giá chung thì tiến độ triển khai các dự án chưa đạt yêu cầu.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, tiến độ các dự án trọng điểm còn chậm. Trong khi đó, kế hoạch vốn trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 phải bố trí, giải ngân trong các tháng còn lại năm 2024 và năm 2025 là rất lớn, lên đến gần 40 nghìn tỷ đồng.

Đơn cử, dự án đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục (giai đoạn 1) dài 2,3 km, được Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2017 với mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, nhưng đến nay mới giải ngân được 27,5% kế hoạch vốn.

Sau nhiều lần kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo và điều chỉnh của lãnh đạo thành phố Hà Nội, dự án này đã có những chuyển biến tích cực hơn như việc xác nhận nguồn gốc đất đạt hơn 98%; nhiều đoạn, tuyến đã nhận được sự đồng thuận của người dân; đã chi trả tiền cho 559 hộ dân; có 128 hộ dân bàn giao mặt bằng…

Tuy nhiên, tiến độ dự án vẫn đang quá chậm so với kế hoạch, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, việc bán nhà tái định cư cho các hộ dân quá chậm, ảnh hưởng đến công tác bàn giao nhà cho các hộ dân nên không thu hồi được mặt bằng.

Bên cạnh đó, quỹ nhà tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng của dự án dự kiến thiếu gần 500 căn. Một số căn đã có quyết định bán nhà của thành phố, nhưng chưa bàn giao được cho người dân, nguyên nhân chính là do vướng thủ tục chuyển tiền mua nhà.

Trong năm 2024, thành phố Hà Nội dự kiến tiếp tục khởi công xây dựng một số dự án, công trình trọng điểm khác như cầu Thượng Cát, cầu Vân Phúc, tuyến đường từ Mỹ Đình (Hà Nội) đến Bái Đính (Ninh Bình), dự án đường gom phía đông cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ…

Để bảo đảm các dự án trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021-2025 được triển khai đúng tiến độ, không kéo dài, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu, các đơn vị được giao nhiệm vụ lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư chủ động, khẩn trương làm việc với các sở, ngành liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hoàn thiện hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố tháng 7/2024.

Lãnh đạo thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch, kết quả giải ngân và khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố hằng tháng. Qua đó, thành phố sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong triển khai các công trình trọng điểm.

“Đối với các dự án đang triển khai còn khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Trường hợp không bảo đảm tiến độ phải chủ động báo cáo thành phố từ sớm để có chỉ đạo và điều hành nguồn vốn phù hợp”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.