Thận trọng khi “lướt sóng” đất nền ven đô

Theo báo cáo phân tích thị trường mới nhất của batdongsan.com.vn, trong 1.000 người tham gia khảo sát, có tới 65% số người được hỏi cho biết sẽ tiếp tục mua bất động sản trong năm 2024, khoảng 33% số người được hỏi quan tâm tới đất nền ven đô khi lựa chọn phân khúc này để đầu tư; tiếp đến là nhà riêng, nhà liền kề với 26% và chung cư với 24%.
0:00 / 0:00
0:00
Một dự án bất động sản tại huyện Mê Linh cạnh tuyến đường vành đai 4-Vùng Thủ đô. (Ảnh NGỌC TÂN)
Một dự án bất động sản tại huyện Mê Linh cạnh tuyến đường vành đai 4-Vùng Thủ đô. (Ảnh NGỌC TÂN)

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng đánh giá, trong quý I vừa qua và cả đầu quý II/2024, đất nền, thổ cư là phân khúc có nhiều giao dịch nhất. Tuy nhiên, xu hướng trên diễn ra không đồng đều tại các địa phương; khu vực miền bắc khả quan hơn so với miền trung và miền nam.

Giá đất nền “chạy” theo chung cư

Số liệu từ VARS cho thấy, trong quý I, thị trường bất động sản ghi nhận tổng số 6.360 giao dịch, tăng 10% so với giai đoạn quý IV/2023 và cao gấp đôi cùng kỳ năm trước. Riêng với phân khúc thấp tầng, đất nền có tổng lượng giao dịch lên tới 2.500 giao dịch, tăng gấp ba lần cùng kỳ năm 2023. So với quý IV năm 2023, giá đất nền đã tăng khoảng 5%. Riêng thị trường ven Hà Nội và khu vực gắn liền với khu công nghiệp, giá tăng từ 10-20%.

“Cơn sốt” giá chung cư tại Hà Nội đã tác động không nhỏ đến tâm lý của một số người có nhu cầu mua nhà để ở và các nhà đầu tư. Diễn biến tăng giá của chung cư đã lan sang đất nền ven đô, nhà nội thành trong các ngõ nhỏ. Việc mua-bán trên thị trường đất nền lâm vào cảnh “đuổi giá” như chung cư.

Ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản SGO Homes cho biết, không ít nhà đầu tư bắt đầu săn lùng đất vùng ven các thành phố lớn, những địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao.

Phân khúc được hướng tới là các thửa đất có giá dưới 2-3 tỷ đồng, giấy tờ hợp pháp, hạ tầng, tiện ích có sẵn. Phân khúc này được ghi nhận mức giá đã tăng tới 40%. Ông Chung cảnh báo, thị trường một số nơi đang có hiện tượng tăng giá một cách vô căn cứ. Do đó, nhà đầu tư cần lưu ý để tránh cuốn theo những “cơn sốt ảo”, nhất là khi thị trường mới đang giai đoạn hồi phục.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa thật sự thoát khỏi khó khăn, mới có dấu hiệu phục hồi, thu nhập, việc làm của người dân chưa ổn định mà giá tăng mạnh là bất thường.

Giá của một số phân khúc tăng nóng trong thời gian ngắn là không có cơ sở, được nhận định có dấu hiệu tác động, tạo thông tin nhiễu loạn từ các nhóm đầu cơ đẩy giá, thổi giá nhằm trục lợi. Do đó, người mua và các nhà đầu tư bất động sản cần tỉnh táo, lựa chọn các sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính và pháp lý bảo đảm.

Sốt đất “ăn theo” đầu tư công

Có thể thấy, với cơ sở hạ tầng được cải thiện, nhu cầu bất động sản ở các vùng ven Hà Nội thời gian qua đã ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Khảo sát của batdongsan.com.vn tại khu vực phía bắc cho thấy, có 31,7% người môi giới bất động sản cho rằng các huyện Đông Anh, Mê Linh sẽ là “điểm nóng” về đất nền; tiếp đến là các khu vực như huyện Gia Lâm, quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì hay các huyện Hoài Đức, Đan Phượng.

Giá đất tại một số xã gần dự án Vành đai 4, đại lộ Thăng Long đã tăng mạnh so với năm 2023. Đơn cử, tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức giá đất đã tăng tới 90-100 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hạ tầng nhiều khi cũng chỉ là cái cớ để “thổi giá” tại một số khu vực.

Trước sự tăng giá đột biến của đất nền ven đô và một số phân khúc khác trên thị trường trong thời gian qua, các chuyên gia đã cảnh báo về những rủi ro đối với sự phục hồi của thị trường và nhà đầu tư. Tình trạng đầu cơ khiến giá đất tăng cao sẽ làm gia tăng thêm áp lực cho công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án hạ tầng. Hạ tầng chậm tiến độ sẽ kéo theo các dự án bất động sản thương mại, bất động sản công nghiệp phải đối mặt với tình trạng khó khăn.

Đặc biệt, giá bất động sản công nghiệp tại nhiều địa phương hiện cũng đã trở nên kém cạnh tranh. Khu công nghiệp hoạt động không tốt, không được lấp đầy sẽ là “thảm họa” đối với những người đã trót đầu tư bất động sản quanh khu công nghiệp để cho thuê làm nhà ở, dịch vụ, thương mại.

Một vấn đề khác cần lưu ý là mỗi đợt “sốt” qua đi, thị trường bất động sản tại khu vực đó sẽ cần nhiều thời gian để vượt qua giai đoạn đóng băng. Nếu nhà đầu tư sử dụng vốn vay sẽ rất áp lực, thậm chí có khả năng “thua trắng” khi là người đến muộn hoặc là sau cuối của “con sóng”. Chứng kiến nhiều bài học từ những cơn sốt đất tại các địa phương, ông Nguyễn Văn Đính khuyến cáo, tuyệt đối không lao theo các cơn “sốt”, không đầu tư theo phong trào, đám đông.