Những trải nghiệm trên con đường lập nghiệp

Hiện nay, không ít sinh viên chọn làm thêm như một cách rèn luyện và trau dồi bản thân, bên cạnh mục đích kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Quá trình va vấp với cuộc sống khiến các bạn trẻ trưởng thành hơn, bổ sung nhiều kinh nghiệm sống và kỹ năng làm việc cho chặng đường trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00

Do sinh viên phải dành phần lớn thời gian cho việc học tập và các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, cho nên công việc bán thời gian là phù hợp đối với đối tượng này. Những việc làm mà nhiều sinh viên chọn để làm thêm là những công việc như: bán hàng, gia sư, làm mẫu ảnh... hoặc những công việc gắn với những ngành mà các bạn đang theo học.

Mức thu nhập sinh viên nhận được không cao bằng những người làm việc lâu năm, nhưng là nguồn thu đáng kể đối với các bạn trẻ. Điều quan trọng là khi đi làm thêm, các bạn trẻ có được kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc, khả năng làm việc nhóm, thích ứng với áp lực công việc.

Hoàng Thị Yến, sinh viên năm thứ hai Trường đại học Xây dựng Hà Nội, hiện làm công việc pha chế kiêm phục vụ tại quán cà-phê đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình.

Yến cho biết: “Việc làm thêm cho sinh viên hiện nay rất phong phú, chỉ là các bạn có đủ tự tin và có chịu khó học hỏi để nắm bắt lấy cơ hội hay không. Có nhiều hàng quán, doanh nghiệp mới mở cộng với sự thay đổi trong nhu cầu xã hội cho nên cơ hội việc làm đối với sinh viên rất lớn”.

Bạn Nguyễn Phương Thảo (22 tuổi) hiện là sinh viên năm cuối của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Trong môi trường số hóa hiện nay, có nhiều công việc mới, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên hơn”.

Là nhân viên marketing của một nhãn hàng thời trang từ năm thứ hai đại học, công việc chính của Thảo là sáng tạo nội dung và làm việc với những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Hiện tại Thảo đã gắn bó với công việc này được ba năm và có thu nhập khá ổn định.

Một trong những điều quan trọng khi còn ngồi trên ghế nhà trường của sinh viên là tìm được điểm mạnh cũng như điểm yếu của cá nhân, khả năng của bản thân và hiểu rõ mục tiêu của mình.

Chỉ khi có định hướng rõ ràng, biết được đâu là điều mình cần, sinh viên mới có thể trưởng thành và chuyên tâm đạt được mục đích. Có một công việc làm thêm là cách để sinh viên có thể khám phá thêm nhiều tiềm năng của bản thân, cũng như trau dồi kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm.

Được bạn bè giới thiệu cho công việc hiện tại, Nguyễn Xuân Kiên (22 tuổi) học tại Trường đại học Kiến trúc Hà Nội đang làm công việc bán thời gian phụ trách hình ảnh sản phẩm cho một doanh nghiệp kinh doanh, Kiên nhận định, không chỉ học hỏi thêm được nhiều điều, mà việc làm thêm của Xuân Kiên còn giúp bạn cọ xát trực tiếp với nghề và tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế, sẽ đỡ áp lực hơn trong quá trình đi làm sau khi ra trường.

Mặc dù chọn việc làm thêm trái ngành học của mình, nhưng Nguyễn Hiền Giang (20 tuổi), sinh viên năm thứ hai chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại Đại học Greenwich Việt Nam lại rất yêu thích công việc làm thêm.

Vốn là người có năng khiếu với môn Tiếng Anh và có khả năng truyền đạt tốt, cho nên việc giảng dạy Tiếng Anh cho các em nhỏ của Hiền Giang không gặp nhiều khó khăn hay mất nhiều thời gian làm quen. Rút ra được nhiều kinh nghiệm trong giao tiếp, thuyết trình, cũng như xây dựng nhiều mối quan hệ giá trị, Hiền Giang tin rằng đây sẽ là những kỹ năng cần thiết phục vụ cho công việc sau này của cô.

Duy Quốc Linh (20 tuổi) học tại Trường đại học FPT Arena có một công việc làm thêm khá đặc biệt là đi biểu diễn nhạc cho các quán cà-phê, các show, với vị trí chơi keyboard cho ban nhạc.

Tuy vậy, Linh chia sẻ đôi lúc cũng không mấy hào hứng bởi khi biểu diễn tại các chương trình, em phải chơi nhạc theo thị hiếu của khách hàng, chứ không phải chơi những tác phẩm em yêu thích.

Với trường hợp của Phương Thảo, nhân viên văn phòng marketing, khó khăn lại đến từ chính áp lực của bản thân: “Em thấy các anh, chị lớn tuổi ở văn phòng không chỉ giỏi chuyên môn mà những kỹ năng mềm của anh chị cũng vô cùng khéo léo. Đây là điều mà em phải học tập nhiều”.

Tuy nhiên, không ít trường hợp sinh viên đi làm thêm đã ảnh hưởng đến việc học tập ở trường và sức khỏe của bản thân. Trong quá trình vừa học vừa làm, nhiều sinh viên đã phải nỗ lực, đôi khi là quá sức.

Vì vậy, thời gian dành cho nghiên cứu, làm bài tập không được nhiều. Nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, nhu cầu việc làm và sức khỏe của sinh viên, tại Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm, song không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ.

Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian. Nếu Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được thông qua, đây sẽ là cơ sở để sinh viên có thể điều chỉnh việc học và làm thêm.