Quy hoạch hệ thống tàu điện một ray dọc sông Hồng

Theo Nghị quyết về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố về bố trí các tuyến tàu điện một ray (monorail) dọc hai bên sông Hồng đã được chấp thuận.
0:00 / 0:00
0:00
Ðồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề xuất hệ thống tàu điện một ray bố trí dọc hai bên sông Hồng. (Ảnh ÐĂNG ANH)
Ðồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề xuất hệ thống tàu điện một ray bố trí dọc hai bên sông Hồng. (Ảnh ÐĂNG ANH)

Trong đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đề xuất khôi phục hai tuyến đường sắt cũ do Pháp đầu tư xây dựng, gồm tuyến Ngã Tư Sở-Bờ Hồ và tuyến Bờ Hồ-Thụy Khuê, dưới hình thức tàu điện trên mặt đất (tram way).

Lên phương án ba tuyến tàu điện nhẹ một ray

Phát biểu tại kỳ họp thứ 15 - kỳ họp chuyên đề khóa 16 của Hội đồng nhân dân thành phố, đại biểu Ðường Hoài Nam cho rằng, từ nay đến năm 2030 chỉ còn sáu năm, vì thế thành phố cần ưu tiên thực hiện những giải pháp trọng tâm trong phát triển đô thị và giao thông. Ðể trục cảnh quan sông Hồng phát triển, cần sớm xác định tổ hợp kiến trúc dọc sông Hồng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông tiếp cận dọc hai bên bờ sông. Theo đại biểu Nguyễn Minh Ðức, để thực hiện tốt Quy hoạch chung Thủ đô, cần quan tâm đến giao thông, nhất là đường sắt đô thị. Việc phát triển đường sắt đô thị là giải pháp quan trọng của Hà Nội trong thời gian tới để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Ðồ án quy hoạch lần này đã đề xuất hệ thống tàu điện một ray bố trí dọc hai bên sông Hồng, kết nối với tuyến xe buýt đường sông, hệ thống tàu điện này tạo nền tảng hệ thống giao thông công cộng, xóa sự ngăn cách về không gian của hệ thống đê tả, hữu Hồng, góp phần đưa đô thị phát triển hướng ra sông thay vì quay lưng lại sông như nhiều năm qua. Tại các điểm kết nối nhà ga của tuyến đường sắt một ray sẽ kết hợp với dịch vụ du lịch, văn hóa với các giá trị vật thể và phi vật thể như bãi tắm Chử Ðồng Tử, đền Nguyên Phi Ỷ Lan, làng cổ Bát Tràng... Với khổ tàu và đường ray bé, tàu có thể kết nối, trung chuyển khách vào khu vực phố cổ.

Ðồ án quy hoạch định hướng thành phố Hà Nội có năm trục không gian chính, trong đó trục sông Hồng sẽ phát triển trở thành không gian xanh, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế-xã hội và là điểm nhấn của Thủ đô. Trục không gian sông Hồng sẽ phát triển đô thị, công viên sinh thái hai bên bờ sông, khai thác giá trị cảnh quan, cảng sông, du lịch; xây dựng trở thành trung tâm hội tụ, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa Ðồng bằng sông Hồng.

Trục sông Hồng được phân thành ba đoạn. Trong đó, đoạn 1, từ huyện Ba Vì đến cầu Hồng Hà dài 90 km; đoạn 2, từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở dài 40 km qua đô thị trung tâm; đoạn 3, từ Mễ Sở đến hết huyện Phú Xuyên dài 30 km.

Cần rút kinh nghiệm từ tuyến BRT

Sau khi khảo sát, đơn vị tư vấn đã lên ba lộ trình có thể thực hiện ba tuyến tàu một ray theo các hướng. Tuyến số 1: Liên Hà (huyện Ðông Anh)-Tân Lập-An Khánh (huyện Hoài Ðức) dài khoảng 11 km. Tuyến số 2: Mai Dịch-Mỹ Ðình-Văn Mỗ-Phúc La, Giáp Bát-Thanh Liệt-Phú Lương, dài khoảng 22 km. Tuyến số 3: Nam Hồng (huyện Ðông Anh)-Ðại Thịnh (huyện Mê Linh) dài khoảng 11 km.

Phương tiện công cộng này có nhiều ưu điểm như cấu trúc gọn, di chuyển êm không gây ồn ào, hiệu quả vận chuyển hành khách cao và chi phí đầu tư cho loại hình này thấp hơn các loại hình tàu điện khác. Tàu điện một ray có thể dễ dàng đi vào các hành lang trong thành phố, mà không cần sự trợ giúp của hệ thống lưới điện quốc gia và các trạm điện…

Ðáng chú ý, phương tiện này rất thích hợp với mạng lưới cung cấp hệ thống vận tải đường ray loại nhẹ hiện có và hệ thống đường sắt với hành lang giao thông hẹp. Tính ưu việt của phương tiện này so các loại phương tiện giao thông khác là có thể đi trên cao hoặc hạ ngầm, không chiếm nhiều không gian cả chiều ngang lẫn chiều thẳng đứng. Do chạy bằng bánh lốp trên đường ray là dầm bê-tông dự ứng lực, cho nên phương tiện không gây tiếng ồn. Mặt khác, động cơ chạy bằng điện, cho nên không thải các chất độc hại ra môi trường.

Tuy nhiên, hạn chế của tàu điện một ray là công suất vận chuyển thấp hơn loại hình hai ray. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ để có thể ứng dụng trong tương lai khi dân số đô thị tăng nhanh. Mặt khác, cũng cần rút kinh nghiệm từ việc đầu tư, phân kỳ đầu tư, kết nối với các phương tiện và giao thông hiện hữu, vận hành… của tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 01 lộ trình Kim Mã-Hà Ðông. Ðược đặt nhiều kỳ vọng, song thực tế cho thấy tuyến BRT này không làm giảm mật độ người tham gia giao thông. Việc bố trí làn riêng trên tuyến đường Tố Hữu-Lê Văn Lương, khiến tuyến đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc.