Sớm hoàn thiện hạ tầng các khu đất dịch vụ

Sau nhiều năm mòn mỏi chờ đợi, nhiều người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội rất vui mừng khi được chính quyền bố trí đất dịch vụ. Tuy nhiên, không ít khu đất dịch vụ chưa được đầu tư điện, nước sạch sinh hoạt, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Khu đất dịch vụ X2 tại xã Song Phương, huyện Hoài Ðức, Hà Nội.
Khu đất dịch vụ X2 tại xã Song Phương, huyện Hoài Ðức, Hà Nội.

Từ năm 2018, không ít người dân bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp tại xã Vân Canh, huyện Hoài Ðức vui mừng khi nhận được đất dịch vụ để ổn định cuộc sống. Ðến nay, nhiều gia đình đã đầu tư xây dựng nhà để cải thiện chỗ ở, từng bước hình thành khu dân cư mới. Tuy nhiên, sau gần 5 năm chờ đợi, hệ thống nước sạch sinh hoạt vẫn chưa được đầu tư xây dựng, khiến người dân bức xúc.

Anh Nguyễn Văn H, người dân sinh sống tại khu đất dịch vụ 6,9 ha xã Vân Canh cho biết, đến nay có khoảng 200 hộ đã đầu tư xây dựng nhà ở, chuyển ra sinh sống tại khu đất dịch vụ, nhưng cuộc sống hằng ngày gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước sạch sinh hoạt. Các hộ dân phải chung nhau mua nước sạch với giá 2 triệu đồng/téc. Một số hộ dân không có điều kiện kinh tế thì khoan giếng hoặc kéo đường ống nhựa để xin nước từ các hộ dân khác về sử dụng.

Không chỉ thiếu nước sạch sinh hoạt hằng ngày, người dân tại khu đất dịch vụ X2 tại xã Song Phương, huyện Hoài Ðức còn thiếu cả điện sinh hoạt. Ðể có điện, người dân phải tự mua dây điện, tự dựng cột điện, mua đồng hồ đo đếm để mua điện. Do người dân tự đầu tư, lắp đặt đường dây điện không bảo đảm các điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật an toàn điện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn điện rất cao. Một số hộ dân còn lựa chọn sử dụng thêm nguồn năng lượng mặt trời để có điện thắp sáng, nhưng nguồn vốn đầu tư tốn kém. Ðối với nước sinh hoạt, khoan giếng cũng phải kèm theo nhiều thiết bị xử lý chất lượng nguồn nước, nhưng vẫn không bảo đảm. Vì thế, không ít hộ dân phải mua nước đóng bình về phục vụ riêng việc ăn uống…

Do chi phí điện, nước sinh hoạt cao, nhất là trong những ngày cao điểm nắng nóng mùa hè, vượt quá khả năng chi trả của người dân, không ít trường hợp đành bỏ nhà mới, trở về nhà cũ trong khu dân cư để sinh sống. Ngoài nỗi lo thiếu điện, nước sinh hoạt, mặc dù các khu dịch vụ đã lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng với cột điện, bóng điện, tủ điện đầy đủ, nhưng không thể thắp sáng mỗi tối, dẫn đến nguy cơ mất an ninh, an toàn cho người dân. Lợi dụng tình trạng thiếu ánh sáng ban đêm, nhiều đối tượng đã lấy trộm nắp hố ga, gây nguy hiểm cho việc đi lại của người dân.

Trên địa bàn huyện Hoài Ðức hiện có 46 khu đất dịch vụ. Theo quy định, để được nhận đất dịch vụ, người dân phải đóng góp 810.000 đồng/m2 đất để huyện đầu tư xây dựng hạ tầng, nhưng thực tế số tiền đầu tư hạ tầng lớn hơn rất nhiều. Ðể bù đắp phần thiếu hụt này, các địa phương phải sử dụng ngân sách để đầu tư, trong khi nguồn vốn ngân sách cũng khó khăn, cho nên ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.

Theo đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Ðức, việc cung cấp điện nước chậm trễ còn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến tình hình sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh doanh gặp khó khăn. Huyện đang chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mạng lưới cung cấp nước sạch, điện sinh hoạt. Riêng đối với khu đất dịnh vụ X2 tại xã Song Phương, huyện phấn đấu cuối quý II, đầu quý III năm 2024 sẽ bàn giao dự án cho ngành điện để cung cấp điện sinh hoạt cho người dân có nhu cầu. Ðơn vị cung cấp nước sạch cũng cam kết đến cuối năm nay sẽ đầu tư mạng lưới nước sạch để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.