Truyền lửa văn hóa đọc cho học sinh

Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2021 đã thu hút hàng chục nghìn học sinh trên địa bàn thành phố tham gia. Các em đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý trong việc đọc sách, phát triển văn hóa đọc. Qua đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Trao giải cho các em học sinh đoạt giải cao trong cuộc thi.
Trao giải cho các em học sinh đoạt giải cao trong cuộc thi.

Bài thi Đại sứ văn hóa đọc 2021 của em Vũ Thúy Hiền (học sinh lớp 11A5, Trường THPT Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) bắt đầu bằng cuộc trò chuyện giữa hai cha con Hiền về cuộc đời ông nội mình. Ông nội Hiền tham gia cách mạng ở Nam Định từ năm 16 tuổi, năm 1949, khi mới 19 tuổi, ông bị giặc Pháp bắt, tù đày. Vượt ngục thành công hai năm sau đó, ông tiếp tục cầm súng chống Pháp… Những câu chuyện về ông nội khiến Hiền suy nghĩ về tuổi trẻ của mình. Phải chăng, khi sinh ra trong thời đại hòa bình, được hưởng cuộc sống đầy đủ, giới trẻ đã quên đi khát vọng cống hiến? Hiền băn khoăn về điều đó.

Cho đến một ngày, khi đọc cuốn Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, em đã có câu trả lời. Đó là tuổi trẻ phải biết sống ý nghĩa, sống cống hiến cho cộng đồng, xứng đáng với sự hy sinh của những lớp người đi trước. Bằng cách dẫn chuyện giản dị, nhưng vô cùng chân thật, bắt nguồn từ chính truyền thống gia đình mình, em Vũ Thúy Hiền đã giới thiệu tác phẩm Nhật ký trong tù của Bác Hồ một cách sống động và truyền cảm, và em đã trở thành một trong ba học sinh giành Giải nhất cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2021.

Em Vũ Thu Hiền vốn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sách và cuộc sống của Trường THPT Xuân Phương. Trong thời gian qua, Hiền và các bạn trong câu lạc bộ đã được nhà trường tạo điều kiện thực hiện nhiều hoạt động như: Giới thiệu sách hay vào dịp chào cờ đầu tuần, giới thiệu những câu chuyện hay trong giờ truy bài, quyên góp sách để làm thư viện… Câu chuyện Đại sứ văn hóa đọc năm 2021 của em Vũ Thu Hiền thật sự có ý nghĩa trong khuyến khích các em học sinh gắn bó với văn hóa đọc.

Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc thành phố Hà Nội” lần thứ nhất năm 2021 do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức. Sau ba tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 22.705 bài dự thi viết và 417 video của học sinh 293 trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tham dự. Nếu các bài thi của các em học sinh tiểu học gây bất ngờ bởi những hiểu biết “vượt tầm” và cách trang trí ngộ nghĩnh thì nhiều bài thi của học sinh THCS, THPT được đầu tư kỹ lưỡng bằng các video.

 Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Văn Hà cho biết: “Nhiều bài dự thi phong phú về nội dung và hình thức, thể hiện sự hiểu biết, đam mê đọc sách, đưa ra các thông điệp kêu gọi cộng đồng cùng tham gia đọc sách, đã gây xúc động và có sức lan tỏa đến người đọc. Có cả bài dự thi bằng chữ nổi Braille của người khiếm thị. Nội dung các bài thể hiện sự cảm nhận sách tốt, ý tưởng viết tiếp câu chuyện trong sách phong phú, ngôn ngữ văn phong phù hợp với lứa tuổi học sinh”.

Ở cấp tiểu học, em Hoàng Gia Vinh, lớp 5A1, Trường tiểu học Ái Mộ B, quận Long Biên là người giành Giải nhất. Với yêu cầu “Sáng tác một tác phẩm nhằm khích lệ mọi người đọc sách”, Vinh đã sáng tác bài thơ “Một trang sách mở ra”. Tám khổ thơ, mỗi khổ bốn câu, có bảy khổ bắt đầu bằng “Một trang sách mở ra”, bài thơ đã “kể chuyện” lịch sử, từ thuở Hùng Vương dựng nước, đến câu chuyện về Hai Bà Trưng, lời thề “Sát Thát” dưới thời Trần, hay câu chuyện trả gươm bên hồ Hoàn Kiếm… Bài thơ là những câu chuyện lịch sử qua các trang sách.

 Bài thơ kết thúc bằng: Em nghe trong khúc hát/ Yêu non nước quê nhà/ Một trang sách mở ra/ Lời ông cha vọng mãi. Vinh chia sẻ về bài thi của mình: “Lúc em còn nhỏ, mẹ em hay đọc sách cho em nghe cho nên em có niềm ham mê đọc sách. Đối với em, sách cung cấp cho em kiến thức, giúp em tìm hiểu thế giới chung quanh và em mong muốn thuyết phục mọi người đến với đọc sách, các bạn thì không nên chơi game, sử dụng máy tính, điện thoại quá nhiều”.

Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2021 đã tạo điều kiện để các em học sinh chia sẻ kinh nghiệm trong việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc, từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, góp phần xây dựng xã hội học tập.