Bánh kẹo trong nước cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu

Là mặt hàng có sức tiêu thụ lớn trong dịp Tết, thị trường bánh, mứt, kẹo trên địa bàn Hà Nội những ngày này rất sôi động. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã có sự đổi mới mạnh mẽ về cả hình thức và chất lượng sản phẩm, đang cạnh tranh quyết liệt với các sản phẩm nhập khẩu ở hầu hết các phân khúc.

Sản xuất tại Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội.
Sản xuất tại Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội.

Không khí sản xuất tại Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội những ngày cuối năm Đinh Dậu hối hả, khẩn trương hơn bao giờ hết. Mùi bánh nướng, hoa quả sấy, mứt tỏa ra thơm ngào ngạt. Những mẻ bánh, mứt mới ra lò, nhanh chóng được làm nguội để đóng gói, dán nhãn mác để chuyển đến các đại lý, siêu thị, cửa hàng bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Thủ đô và cả các tỉnh, thành phố khác.

Phó Tổng Giám đốc công ty Vương Trọng Tuấn cho biết, năm nay, đơn vị đặt kế hoạch sản xuất 350 tấn bánh, mứt, kẹo phục vụ thị trường, tăng 50 tấn so với Tết năm ngoái. Trong đó, chủ yếu là các loại bánh xốp, mứt hộp. Công ty sẽ sản xuất đến ngày 25, 26 tháng Chạp mới nghỉ hoặc làm đến khi hết nguyên liệu, bảo đảm đáp ứng đủ yêu cầu của người tiêu dùng.

Đại diện thương hiệu bánh kẹo Bibica cũng cho biết, đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất, đơn vị đưa ra thị trường 2.500 tấn sản phẩm, tăng 15% so với Tết năm ngoái. 56 dòng sản phẩm của nhãn hàng này có giá dao động từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Công ty còn sản xuất các hộp quà bánh, mứt, kẹo mang chủ đề Tết như Tết đoàn viên, Mã đáo thành công, Lạc Việt... Công ty Mondelez Kinh đô cung ứng cho thị trường hơn 40 loại bánh với các nhãn hiệu Cosy, Lu, Solite, AFC... Các nhãn hiệu khác như Tràng An, Hải Hà, Bảo Minh… cũng tăng cường sản xuất, tập trung tối đa cho mùa vụ Tết năm nay với hàng loạt sản phẩm phong phú, đa dạng.

Sự sôi động của thị trường thể hiện rõ nét tại các siêu thị, các tuyến phố chuyên kinh doanh bánh mứt kẹo, các cửa hàng, đại lý. Tại nhiều siêu thị, tỷ trọng bánh, mứt, kẹo sản xuất trong nước chiếm tới 80%. Đại diện siêu thị Saigon Coopmart cho biết, đã chuẩn bị 47 nghìn tấn bánh kẹo để phục vụ người tiêu dùng dịp Tết. Các mặt hàng rất phong phú, đa dạng với nhiều mức giá khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn. Trong đó, siêu thị đặc biệt ưu tiên sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, nhất là khi lựa chọn sản phẩm để đóng gói các giỏ quà Tết, bởi thời gian gần đây, các sản phẩm bánh, mứt, kẹo trong nước đã có sự bứt phá mạnh mẽ, không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng, hương vị sản phẩm, mà còn đầu tư, chăm chút cho mẫu mã, bao bì. Qua đó, dần cạnh tranh được với hàng nhập ngoại, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.

Ngược lại, tại các cửa hàng, đại lý, các sản phẩm bánh, kẹo, hoa quả nhập khẩu lại có phần lấn át các thương hiệu trong nước. Bên cạnh các sản phẩm bánh, mứt, kẹo từ châu Âu khá quen thuộc với người tiêu dùng như bánh nấm Nga, sô-cô-la Lindt Thụy Sĩ, bánh Raffaello Đức, Danisa của Đan Mạch… năm nay thị trường nhập khẩu còn có nhiều sản phẩm của Hàn Quốc, Nhật Bản cũng được người tiêu dùng tìm mua. Chị Hoàng Xuân Mai (ở 71 phố Láng Hạ, Hà Nội) chia sẻ: “Bây giờ nhu cầu ăn uống của mọi người không nhiều, cho nên gia đình tôi chọn mua những sản phẩm thật ngon để tiếp khách. Tôi cũng thường lựa chọn những sản phẩm bánh kẹo nhập ngoại để đem biếu tặng dù giá đắt hơn hẳn hàng trong nước”.

Ở phân khúc hàng bình dân, thị trường bánh mứt kẹo năm nay cũng ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của các sản phẩm tới từ các nước ASEAN như In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a, Thái-lan với các nhãn hiệu quen thuộc như Royal, White Castle, Bristish. Các loại bánh mứt kẹo này xuất hiện khá nhiều tại các cửa hàng, trên các tuyến phố chuyên doanh như Hàng Buồm, Tạ Hiện với mức giá dao động từ 100 đến 300 nghìn đồng/sản phẩm.

Nếu như người tiêu dùng ở khu vực trung tâm thành phố khá để ý và lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu, bao bì nhãn mác đầy đủ thì vẫn còn một lượng bánh mứt kẹo không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tại làng La Phù (huyện Hoài Đức), chợ Đồng Xuân, các tuyến phố Tạ Hiện, Ngõ Gạch (quận Hoàn Kiếm). Tại đây, các loại bánh mứt kẹo, hạt khô thường được đựng trong các túi ni-lông, bao tải lớn, bán theo cân với mức giá thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của thị trường. Người bán thường không xuất trình được các giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Nhưng vì giá rẻ, chỉ khoảng 30 đến 40 nghìn đồng/kg kẹo, 50 nghìn đồng/kg hạt hướng dương, cho nên vẫn có lượng lớn các tiểu thương đến lấy buôn, đem về các vùng nông thôn, ngoại thành, các chợ dân sinh để bán lẻ.

Đáng lưu tâm, tình trạng bánh mứt kẹo Tết không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra trên địa bàn. Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 24 phối hợp Công an huyện Hoài Đức đã kiểm tra kho hàng, xưởng sản xuất bánh kẹo của Công ty TNHH Hàng tiêu dùng Thái-lan tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, phát hiện, thu giữ gần 4.000 hộp bánh kẹo thành phẩm có hình thức nhái các thương hiệu lớn trên thị trường.

Trước đó, Công an huyện Đan Phượng phối hợp Đội QLTT số 23 đã kiểm tra và phát hiện một cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo trên địa bàn huyện có gần 11 tấn kẹo đang chảy nước, bốc mùi hôi, nhiều nguyên liệu làm bánh kẹo đã vón cục và các loại máy móc, dụng cụ để đóng gói, dập mới lại bao bì và hạn sử dụng. Theo lực lượng chức năng, các đối tượng này nhập bánh kẹo gần hết hạn hoặc đã hết hạn từ nước ngoài về rồi đóng gói vào bao bì mới, dập lại hạn sử dụng để tung ra thị trường.

Chi cục Trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên khuyến cáo: “Người tiêu dùng không nên mua bánh, mứt, kẹo trôi nổi trên thị trường, mà nên mua sắm tại các cơ sở có uy tín, các sản phẩm có thương hiệu, chất lượng được các cơ quan quản lý kiểm tra, kiểm định vì sức khỏe và niềm vui của gia đình trong dịp Tết sắp đến”.