Trăm năm Làng cổ Đông Hòa Hiệp

Làng cổ Đông Hòa Hiệp (nay là xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) được hình thành từ thế kỷ thứ XVIII. Khoảng thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, trên vùng đất Đông Hòa Hiệp có nhiều ngôi nhà đuợc xây cất bằng các loại gỗ quý, mái lợp ngói, kết hợp giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây... đến nay vẫn giữ được nét độc đáo.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách Tây Ban Nha tham quan nhà cổ của gia đình ông Trần Tuấn Kiệt.
Du khách Tây Ban Nha tham quan nhà cổ của gia đình ông Trần Tuấn Kiệt.

Theo tư liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, vào năm 1732, chúa Nguyễn cho thiết lập một đơn vị mới ở vùng đất phương nam là Dinh Long Hồ (tức tỉnh Vĩnh Long ngày nay) và chọn thôn An Bình Đông (nay là xã Đông Hòa Hiệp, thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) làm lỵ sở. Tồn tại được 25 năm, đến năm 1757, lỵ sở tại thôn An Bình Đông dời qua Tầm Bào thuộc địa phận thôn Long Hồ (nay là thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long).

Suốt thời gian này, vùng đất Đông Hòa Hiệp quy tụ nhiều quan lại và điền chủ đến sinh sống. Theo đó, nhiều ngôi nhà được xây cất bằng gỗ, mái lợp ngói, cao, rộng theo kiến trúc phương Đông pha lẫn phương Tây lần lượt ra đời. Các nhà cổ không nằm sát nhau mà đan xen với những vườn cây trái sum suê.

Hiện, một số nhà cổ ở Đông Hòa Hiệp vẫn còn khá nguyên vẹn như nhà của ông Trần Văn Lâu (một trong những điền chủ giàu có lúc ấy) được xây cất từ thế kỷ XIX, nay ông Trần Tuấn Kiệt thừa kế; nhà của các ông Phan Văn Đức, Lê Văn Xoát, Võ Văn Võ... Những ngôi nhà cổ này giờ là điểm nhấn, tạo nên nét độc đáo của Làng cổ Đông Hòa Hiệp.

Dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà cổ, bà Lê Thị Chín, vợ ông Trần Tuấn Kiệt, thuyết trình: “Nhà cổ ở Đông Hòa Hiệp được xây cất theo cấu trúc nhà truyền thống Nam Bộ có năm gian, ba chái hình chữ Đinh. Bên trong, các bộ kèo, xiên, trính và vách cửa được chạm khắc, trang trí các hoa văn rất tinh xảo. Bộ bao lam được chạm lọng tùng, cúc, trúc, mai cách điệu hài hòa. Những bức hoành phi, liễn đối được chạm trổ, khảm xà cừ rất công phu với các họa tiết mềm mại. Tủ thờ, bàn ghế, bình, đĩa, tách, lư hương, tượng... bằng gỗ, gốm, sứ, đồng quý hiếm được giữ gìn đến hôm nay. Bên ngoài là phần sân rộng, bài trí những cây kiểng cổ; phía trước có hàng rào và cửa cổng chắc chắn...”.

Ngôi nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt đang thừa kế đã hơn 200 năm tuổi. Lâu nay, ngôi nhà cổ này được đưa vào khai thác du lịch bằng cách phục vụ du khách tham quan, ăn uống và lưu trú qua đêm, góp phần đưa giá trị văn hóa nhà cổ Nam Bộ đến với cộng đồng và du khách trong, ngoài nước.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè Lê Văn Ý, Làng cổ Đông Hòa Hiệp được các tổ chức, cá nhân và cộng đồng quản lý với hơn 14 nhà cổ có niên đại hơn 100 năm, trong đó có năm ngôi nhà cổ đang phục vụ du lịch. Trong đó, nhà cổ của gia đình ông Trần Tuấn Kiệt được tổ chức JICA của Nhật Bản trùng tu, sửa chữa; một số nhà cổ do chủ hộ tự sửa chữa, trùng tu để kinh doanh du lịch.

Các ngôi nhà cổ này đã được khai thác tốt để phục vụ khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng; nhất là trong các dịp lễ, Tết và lễ hội văn hóa Làng cổ Đông Hòa Hiệp. Hiện, một số ngôi nhà cổ đang xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng kinh phí sửa chữa lớn, chủ nhân của các nhà cổ này không có khả năng tài chính nên chưa thể trùng tu để tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng như các nhà cổ khác. Huyện Cái Bè đang đề xuất xin chủ trương của tỉnh về việc trùng tu, sửa chữa các ngôi nhà cổ...

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Võ Phạm Tân cho biết, để bảo tồn và phát huy giá trị Làng cổ Đông Hòa Hiệp, địa phương tiếp tục tuyên truyền ý thức bảo vệ di sản đối với người dân sống trong khu vực; khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cùng tham gia bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di sản. Khuyến khích người dân phát triển các trò chơi dân gian, làng nghề truyền thống bánh phồng, bánh tráng, cốm kẹo, các món ăn dân gian, các hoạt động văn hóa phi vật thể để phục vụ khách du lịch. Cùng với đó, tôn tạo đình, chùa, miếu nhằm góp phần phát huy lợi thế Làng cổ Đông Hòa Hiệp.

Tỉnh Tiền Giang mong muốn duy trì và nâng tầm việc tổ chức lễ hội Văn hóa-Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp hằng năm. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ dân tham gia làm du lịch để cùng hưởng lợi chung. Đồng thời, kiến nghị các cấp, các ngành liên quan có chính sách, phương án bảo tồn hiệu quả các ngôi nhà cổ ở Đông Hòa Hiệp...

Cùng với Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) và Làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên Huế), Làng cổ Đông Hòa Hiệp là một trong ba ngôi làng cổ ở Việt Nam được Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cùng Tổ chức Hợp tác quốc tế JICA của Nhật Bản lựa chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn. Di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Đông Hòa Hiệp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia tại Quyết định số 2080/QĐ-BVHTTDL năm 2017.