Tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua thương mại điện tử

Dù có nhiều lợi thế nhưng phần lớn nông sản, sản phẩm OCOP của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn được tiêu thụ bằng các kênh truyền thống. Do vậy, thành phố đã và đang nỗ lực thúc đẩy đầu ra cho những sản phẩm này thông qua loại hình thương mại điện tử.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân tìm hiểu nông sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP tại một buổi quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ nông sản ở huyện Củ Chi.
Người dân tìm hiểu nông sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP tại một buổi quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ nông sản ở huyện Củ Chi.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi Lê Đình Đức, hiện số lượng mặt hàng nông sản của huyện Củ Chi được bày bán trên các sàn thương mại điện tử còn khá khiêm tốn. Các đơn vị sản xuất nông sản còn khá e ngại việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, nhất là các đơn vị sản xuất hàng tươi sống, do yêu cầu thời gian từ khi nhập hàng đến khi bán ra phải rất ngắn. Thời gian này càng bị kéo dài, chất lượng của sản phẩm sẽ càng giảm xuống. Để bảo đảm chất lượng nông sản tươi sống, nhà kinh doanh cần đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, bao gồm cả kho lạnh và các phương tiện vận chuyển chuyên dụng. Việc giao hàng trong vòng ba đến bốn giờ mà vẫn bảo đảm chất lượng là một thách thức đối với các mặt hàng nông sản tươi.

Ngoài ra, công tác dự báo nhu cầu thị trường và cân đối được số lượng sản phẩm cần bán ra cũng rất quan trọng và khó khăn đối với các nhà sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất nông sản chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhất là loại hình hợp tác xã, nên khả năng ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế và chưa phổ biến. Do vậy, trong bước đầu triển khai ứng dụng thương mại điện tử, các đơn vị gặp phải một số vướng mắc như thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn..., nên việc duy trì các gian hàng điện tử và tiếp cận khách hàng vẫn chưa hiệu quả.

Chẳng hạn, theo một số nông dân ở huyện Bình Chánh và Củ Chi, khá nhiều nông dân đã quen thuộc với những cách quảng bá, bán hàng trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo…, nhưng vẫn còn lúng túng, chưa biết cách thiết lập và vận hành kênh thương mại điện tử trên nền tảng TikTok.

Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất nông sản có kinh nghiệm bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội cho rằng: Sản phẩm OCOP là hàng chế biến có nhiều thuận lợi hơn khi bán qua các kênh thương mại điện tử so với hàng tươi sống. Người nông dân có nhiều lợi thế khi bán hàng trực tuyến (livestream) vì phần lớn người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng dựa trên cảm xúc khi nghe chính những nông dân, chủ thể OCOP, giới thiệu hoặc kể về sản phẩm của mình.

Điều quan trọng hàng đầu là người bán hàng cần chuẩn bị kỹ càng nhiều khâu trước mỗi phiên livestream để không xảy ra tình trạng quá tải đơn hàng. Còn theo ông Nguyễn Khánh Toàn, Phụ trách quan hệ Chính phủ của TikTok Việt Nam, phải bảo đảm ba yêu cầu “đúng-đủ-đều” nếu muốn thành công khi bán hàng trực tuyến. Cụ thể, các chủ thể OCOP muốn bán hàng trên TikTok shop thì cần tham gia khóa đào tạo “Chương trình hạt giống OCOP” để có kiến thức “đúng”.

Các chủ thể cũng cần đầu tư nhân sự, sản phẩm để đạt yếu tố “đủ” và phải đăng tải các video đều đặn, tránh gián đoạn để bảo đảm yếu tố “đều”. Nông sản được xem là mặt hàng khó kinh doanh trực tuyến nhất, vì đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe trong khâu giao nhận. Vì vậy, các nhà bán lẻ nông sản cần phải chuẩn bị thật kỹ về nguồn hàng, cách đóng gói, phương thức vận chuyển... để giao hàng kịp thời cho tất cả người mua trong thời gian quy định.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, hiện thành phố có 143 sản phẩm OCOP, trong đó có 36 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, 107 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hữu Hoài Phú, hiện mới chỉ có khoảng 1% sản phẩm nông nghiệp của thành phố tham gia sàn thương mại điện tử. Hơn nữa, số lượng nông sản thành phố đưa vào các nhà hàng cao cấp, khách sạn 5 sao cũng còn hạn chế.

Theo ông Phú, để có thể gia tăng giá trị nông sản, bà con nông dân cần phải tham gia rất nhiều loại hình thương mại gồm chợ truyền thống, chợ đầu mối, siêu thị... và đặc biệt quan trọng là các sàn thương mại điện tử. Có như vậy thì nông sản thành phố mới đến được với khách hàng trong nước và quốc tế rộng rãi hơn, tiếp cận được các thị trường cao cấp hơn, nâng cao hơn nữa giá trị nông sản của thành phố.

Do đó, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố sẽ phối hợp các ngành, đơn vị liên quan sớm xây dựng và phát hành cẩm nang hướng dẫn phương thức, quy trình tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và hỗ trợ kinh phí tập huấn, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân có thể để dàng hơn và đạt hiệu quả cao nhất khi kinh doanh trực tuyến.