Thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị

Theo đánh giá của các chuyên gia và nhà khoa học, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, từ "bà đỡ" chính sách, nhu cầu sản phẩm lớn, trình độ nhân lực, tiềm lực khoa học-công nghệ…
0:00 / 0:00
0:00
Vườn trồng bí xanh trên sân thượng của một người đã về hưu ở Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh CTV)
Vườn trồng bí xanh trên sân thượng của một người đã về hưu ở Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh CTV)

Theo các nhà khoa học, nông nghiệp đô thị được xem là giải pháp hữu hiệu góp phần giải quyết nhiều vấn đề cho xã hội; giúp người dân có thêm thu nhập cũng như tiết kiệm chi phí cho thực phẩm.

Lợi ích và xu thế tất yếu

Nông nghiệp đô thị là trồng trọt và chăn nuôi trong, chung quanh thành phố. Loại hình này cung cấp thực phẩm tươi sống, cây cảnh, cây xanh, hoa tươi…, tạo việc làm, tái chế chất thải.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Ðầu tư cho phát triển nông nghiệp đô thị chính là đầu tư cho bốn mục tiêu tốt hơn là: Sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và sức khỏe tốt hơn. Ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ, nông nghiệp đô thị còn là giải pháp phòng ngừa tốt nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Ðăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp, nhờ được sản xuất và cung ứng tại chỗ, không tốn nhiều loại chi phí (đóng gói, vận chuyển và bảo quản bằng kho lạnh) cho nên chi phí sau thu hoạch của nông nghiệp đô thị giảm đáng kể; chất lượng nông sản được bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, nông nghiệp đô thị góp phần giảm lượng xe cộ trọng tải lớn vào-ra các đô thị, giảm ô nhiễm đáng kể cho khu vực đô thị; góp phần tạo cảnh quan đô thị và cải thiện sức khỏe cộng đồng; tạo ra các vành đai xanh rất giá trị cho các đô thị (hệ thống cây xanh, công viên, mảng xanh trên các ban-công, các vành đai xanh bao quanh đô thị…)…

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bộ, tại Thành phố Hồ Chí Minh, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ khiến diện tích đất nông nghiệp giảm mỗi năm khoảng 1.000 ha. Hiện nay, khoảng 80% nguồn cung thực phẩm của thành phố phải được nhập từ các địa phương lân cận.

Ðồng quan điểm, Tiến sĩ Vũ Thị Quyền, Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Khoa Công nghệ ứng dụng (Trường đại học Văn Lang) cho rằng: Hiện ngành nông nghiệp của thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 28% nhu cầu về rau xanh, 11% heo hơi và 14% thủy-hải sản, 1,2% gia cầm, gần 20% gia súc... cho tổng mức tiêu dùng của người dân. Ðây là con số rất thấp, thành phố sẽ đối mặt nguy cơ thiếu hụt thực phẩm vào năm 2030 khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, biến đổi khí hậu sẽ khiến các vùng canh tác lớn bị ảnh hưởng, nhất là những vùng sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống. Trước viễn cảnh nguồn cung giảm và phụ thuộc vào các địa phương khác, cùng áp lực tăng giá, thành phố cần chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ mới

Tiến sĩ Nguyễn Ðăng Nghĩa cho rằng: Cần xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị có tính chất dài hạn, phù hợp với quy hoạch phát triển ở các khu đô thị và tốc độ đô thị hóa, xu hướng di cư của người dân ra các khu vực thành thị, phù hợp với điều kiện không gian ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Ðặc biệt, thành phố cần có các chính sách, chương trình phát triển nông nghiệp đô thị gắn chặt với việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng những thành tựu khoa học-công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất-chế biến-bảo quản nông sản, tương thích với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa khu vực tư nhân và Nhà nước trong phát triển nông nghiệp đô thị; cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học-kỹ thuật trong lĩnh vực lai tạo giống cây, con chủ lực với từng vùng sinh thái, đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Cụ thể hơn, Tiến sĩ Vũ Thị Quyền đề xuất một số mô hình nông nghiệp đô thị cho thành phố. Theo đó, người dân ở vùng trung tâm thành phố nên áp dụng mô hình canh tác quy mô nhỏ, vừa đối với việc sản xuất rau, hoa, cây cảnh, nuôi cá cảnh, nuôi thú cưng... Còn tại các vùng ngoại thành, người dân nên phát triển mô hình trồng rau, nấm, hoa, cây kiểng, cây trồng đô thị; mô hình trồng rừng, sản xuất nông-lâm kết hợp du lịch sinh thái... Các mô hình sản xuất nông nghiệp ở thành phố nên áp dụng linh hoạt theo điều kiện tự nhiên và từng loại nông sản. Các quận nội thành có diện tích đất nông nghiệp không đáng kể và thường phân tán, manh mún thì nên kết hợp mô hình truyền thống với mô hình canh tác theo phương đứng (vườn đứng) để tận dụng tối đa không gian dinh dưỡng cho quá trình sản xuất, hoặc các phương thức canh tác không dùng đất. Mô hình vườn đứng phù hợp với phần lớn các loại rau ăn lá, rau gia vị và rau dược liệu... Còn ở vùng ngoại thành, với diện tích đất tập trung lớn, người dân có thể áp dụng mô hình canh tác trong nhà màng, nhà lưới hoặc bên ngoài hoàn toàn tùy theo loài cây trồng và tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm. Ngoài ra, người dân có thể học tập các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của nước Israel, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…