Thu hút đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

Với mục tiêu xóa bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thành phố Hà Nội đang nỗ lực phát triển mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Tuy nhiên, việc thu hút các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào cơ sở tập trung còn nhiều hạn chế.
0:00 / 0:00
0:00
Dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại tại huyện Thanh Trì.
Dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại tại huyện Thanh Trì.

Nhiều năm nay, các hộ dân ở làng Kỳ Úc, thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ phát triển mạnh nghề giết mổ gia súc, gia cầm; các hộ dân tận dụng nhà ở để làm địa điểm hành nghề. Do nằm trong khu dân cư tập trung đông đúc, toàn bộ nước thải trong quá trình giết mổ đều thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Tương tự, tại xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ, tình trạng ô nhiễm nước thải, tiếng ồn từ nghề giết mổ gia súc, gia cầm cũng khiến người dân bức xúc. Điều đáng nói là, tại các xã này đã được đầu tư xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, nhưng không thu hút được người dân. Ban đầu có một số cơ sở nhỏ lẻ vào khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, nhưng đến nay chỉ còn duy nhất chủ cơ sở hoạt động. Theo lý giải của chủ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, vào cơ sở giết mổ tập trung vừa bất tiện do xa nhà, vừa thêm chi phí phải nộp cho chủ cơ sở tập trung.

Tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, dự án xây dựng hạ tầng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt cuối năm 2012 với quy mô 4,2ha, với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, đã cơ bản hoàn thành từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào hoạt động.

Theo đại diện Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Bình Minh chậm đưa vào khai thác do cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quản lý đất đai thay đổi. Thời gian trước, Ủy ban nhân dân huyện đã xây dựng kế hoạch, phương án mời doanh nghiệp tham gia đấu thầu, cho thuê đất thực hiện dự án, nhưng nay phải làm lại hồ sơ để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Trung tâm Phát triển quỹ đất triển khai thực hiện lập danh mục, kế hoạch, xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án, nhưng kết quả không như mong đợi do giết mổ gia cầm là lĩnh vực hoạt động kinh doanh có điều kiện, các nhà đầu tư không có nhiều. Theo phê duyệt của thành phố, giá khởi điểm đấu thầu quyền sử dụng đất của dự án là 119 tỷ đồng, không có doanh nghiệp tham gia đấu giá.

Để tháo gỡ khó khăn, đưa dự án vào hoạt động, Ủy ban nhân dân huyện đã có các tờ trình đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số nội dung, phương án đấu giá thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án. Sau khi được phê duyệt điều chỉnh phương án đấu giá, Ủy ban nhân dân huyện sẽ nộp hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá.

Với mục tiêu quản lý chặt chẽ công tác giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, nâng cao chất lượng môi trường, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Hội đồng nhân dân thành phố có Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND quy định hỗ trợ 50% chi phí giết mổ tính trên đầu con gia súc, gia cầm ở năm thứ nhất, 40% ở năm thứ hai và 30% ở năm thứ ba đối với cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện hỗ trợ hạng mục này, các cơ sở phải xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá giết mổ, trong khi chưa có quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời cơ sở giết mổ phải thực hiện nhiều quy trình, trình tự phức tạp, khiến các chủ cơ sở không mặn mà.

Vì thế, để thu hút đầu tư cơ sở giết mổ tập trung, thành phố cần xem xét ban hành cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư, như hỗ trợ chi phí giết mổ tính trên đầu con gia súc, gia cầm trong thời hạn nhất định; tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi; tạo điều kiện về đất đai, đầu tư xây dựng trên đất…