Thành phố Hồ Chí Minh tìm hướng phát triển chợ truyền thống ở quận 1

Ngày 27/3, Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Ủy ban ban nhân dân quận 1 tổ chức tọa đàm với chủ đề “Định hướng phát triển đối với mô hình chợ trên địa bàn quận 1”.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương phát biểu tại tọa đàm.
Phó Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương phát biểu tại tọa đàm.

Quận 1 là quận trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, có tốc độ phát triển kinh tế (thương mại, dịch vụ) cao, tập trung nhiều hệ thống phân phối hiện đại. Tuy nhiên, mô hình chợ truyền thống vẫn tồn tại và phát triển trên địa bàn quận 1 với bản sắc riêng, là di tích văn hóa, biểu tượng của thành phố, điểm đến du lịch không thể bỏ qua khi đến quận 1 và thành phố, nhất là chợ Bến Thành.

Ủy ban nhân dân quận 1 đã phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển thành phố và các đơn vị liên quan hỗ trợ thương nhân đổi mới phương thức kinh doanh, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh; đồng thời quảng bá hình ảnh, thương hiệu chợ Bến Thành.

Ban Quản lý chợ Bến Thành cũng đã phối hợp một số đoàn thể trên địa bàn quận triển khai phong trào “Người kinh doanh văn minh” đến các tổ ngành hàng và thương nhân.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 1 Nguyễn Duy An, trong thời gian tới, quận 1 sẽ thực hiện nhiều giải pháp phù hợp trong xây dựng hình ảnh chợ truyền thống theo hướng văn minh thương mại như: Cơ cấu lại ngành hàng tại các chợ cho phù hợp với bối cảnh mới; phát huy tối đa ngành hàng đặc trưng của từng chợ; tiếp tục thực hiện phong trào “Người kinh doanh văn minh” tại các chợ.

Cùng với đó, thương nhân sẽ đa dạng hóa các phương thức bán hàng và phương thức thanh toán để bắt nhịp với xu hướng phát triển mới; cải tạo, chỉnh trang chợ truyền thống nhằm tạo sự sạch sẽ, khang trang, tạo không gian kinh doanh, mua sắm thoải mái cho thương nhân, người dân, du khách; kết hợp bán hàng với các chương trình khuyến mại hoặc các hoạt động sự kiện để tăng sự nhận biết, quảng bá hình ảnh chợ cũng như hàng hóa kinh doanh tại chợ, thu hút khách hàng đến chợ trải nghiệm, mua sắm. Bên cạnh đó, các chợ sẽ tập trung việc bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không nói thách giá, thái độ phục vụ văn minh...

Thành phố Hồ Chí Minh tìm hướng phát triển chợ truyền thống ở quận 1 ảnh 1

Chợ Bến Thành là điểm tham quan và mua sắm quen thuộc với nhiều du khách quốc tế khi đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện nhóm nghiên cứu đến từ Trường đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Tiến sĩ Lê Thị Hải Yến cho biết: Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy khoảng 63% số người được khảo sát hài lòng về giá cả mua sắm tại chợ; 53,3% số người hài lòng về mức độ đa dạng của hàng hóa; 47,4% số người xem chợ truyền thống là nơi quan trọng để phát triển các mối tương tác xã hội. Đáng chú ý, phần lớn người dân cho rằng sản phẩm hàng hóa tại chợ truyền thống tươi, ngon hơn các kênh mua sắm trực tuyến nhưng không đánh giá cao mức độ an toàn.

Ngoài ra, kết quả khảo sát cho thấy gần 80% người dân đã tham gia mua sắm trực tuyến, gần 70% mua sắm qua siêu thị, cửa hàng tiện lợi và 44% người dân mua sắm tại chợ truyền thống.

Từ đó, nhóm nghiên cứu cho rằng: Chợ truyền thống là một nét văn hóa đẹp, và không thể bị các kênh mua sắm hiện đại thay thế hoàn toàn được. Mua sắm tại chợ truyền thống vẫn có nhiều lợi ích và hấp dẫn đối với người tiêu dùng trong hiện tại và thời gian tới. Tuy nhiên, để có thể tồn tại, duy trì được hoạt động và phát triển, chợ truyền thống cần cải thiện những vấn đề cố hữu như: Ô nhiễm môi trường (nước thải, vệ sinh…), nguồn gốc và chất lượng hàng hóa…

Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Nguyên Phương cho biết: Để thu hút người tiêu dùng, chợ truyền thống cần đổi mới mô hình kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ, cung cấp sản phẩm hàng hóa đa dạng và phong phú với chất lượng cao hơn.

Các chợ truyền thống cũng cần cung cấp được các dịch vụ bổ sung như: Tham quan, ẩm thực, tổ chức các lễ hội, sự kiện để thu hút du khách, người dân đến tham quan, mua sắm. Chợ truyền thống không những là điểm mua sắm mà phải được phát triển thành điểm phục vụ du lịch. Địa phương và ban quản lý chợ cần chú trọng xây dựng thương hiệu chợ; gia tăng các giải pháp truyền thông về thương hiệu chợ; nâng cao kỹ năng phục vụ khách hàng, kỹ năng bán hàng cho các hộ kinh doanh…