Dạo một vòng chung quanh chợ Bến Thành, bắt đầu từ phía cổng chính nhìn ra công trường Quách Thị Trang đi về phía đường Phan Bội Châu, rẽ sang đường Lê Thánh Tôn rồi rẽ tiếp về đường Phan Chu Trinh mới thấy khuôn viên của ngôi chợ trung tâm này thật rộng lớn và vuông vắn. Với diện tích hơn 13 nghìn m2, chợ có 16 cửa tỏa ra bốn hướng. Cửa Nam (biểu tượng là tháp chuông có gắn chiếc đồng hồ to ở giữa quay ra công trường Quách Thị Trang) là cổng chính, nơi bày bán các mặt hàng vải, quần áo các loại. Cửa Ðông (phía đường Phan Bội Châu) hấp dẫn khách hàng bởi các loại mỹ phẩm và bánh kẹo đầy màu sắc. Cửa Bắc (phía đường Lê Thánh Tôn) rực rỡ với đủ loại hoa tươi, trái cây và quyến rũ người qua đường bởi mùi thơm của các loại thực phẩm chế biến và tươi sống. Cửa Tây (phía đường Phan Chu Trinh) lại là nơi phụ nữ ưa dừng chân vì sự đa dạng của vô số loại giày dép, hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm "đã nhìn là muốn mua". Phía trong lồng chợ có tới 1.439 sạp hàng và năm doanh nghiệp kinh doanh theo các hành lang trong chợ bán đầy đủ các loại mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và cao cấp phục vụ khách du lịch, đặc biệt là hàng lưu niệm, quần áo, vải tơ tằm, thủ công mỹ nghệ, sành sứ, tranh thêu, thổ cẩm... Chợ Bến Thành đặc biệt sôi động về đêm. Ðược thành phố cho phép, bắt đầu từ 7 giờ đến 12 giờ đêm, 178 quầy hàng ào ào " đổ bộ" xuống hai con đường Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh hai bên hông chợ để bắt đầu một phiên chợ đêm với la liệt các mặt hàng mỹ nghệ, lưu niệm, quần áo, ăn uống. Tại đây, kẻ bán, người mua nhộn nhịp như đêm hội. Tiếng chào mời, mặc cả râm ran cả một góc phố.
Xuất xứ chợ Bến Thành là ngôi chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh bến sông gần thành Gia Ðịnh ( lúc này gọi là thành Quy hay thành Bát Quái) và đã tồn tại trước khi thực dân Pháp xâm chiếm Gia Ðịnh. Chợ được xây dựng khá đơn giản với tường gạch, sườn gỗ, mái tranh. Khi quân Pháp đánh chiếm thành Gia Ðịnh năm 1859, chợ Bến Thành bị đốt cháy. Năm 1860, người Pháp cho xây lại chợ trên nền cũ (nay là Trường đào tạo cán bộ ngân hàng trên đường Nguyễn Huệ) nằm bên bờ phía nam của con kênh lớn. Năm 1887, người Pháp cho lấp con Kênh lớn và sáp nhập hai con đường hai bên kênh thành một đại lộ mang tên Sác-nơ (Charner) mà người dân địa phương quen gọi là đường Kinh Lấp (nay là đại lộ Nguyễn Huệ). Nhận thấy chợ Bến Thành cũ đã chật chội và lạc hậu, vào năm 1911, người ta bỏ chợ cũ và cho xây một chợ Bến Thành mới tại vị trí chợ ngày nay. Ðịa điểm chợ mới vốn là một cái ao cũ sình lầy được lấp đi gọi là Bồ Rệt (Marais Boresse). Xây dựng từ năm 1912 đến cuối tháng 3 - 1914, chợ mới được hoàn thành. Lễ khánh thành chợ được gọi là "Tân vương hội" diễn ra trong ba ngày với sự tham dự của hơn 100 nghìn lượt người. Sau ngày 30-4, khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ngôi chợ này được sắp xếp và cải tạo lại gọn gàng và ngăn nắp hơn. Năm 1985, UBND thành phố và quận 1 cho đầu tư chỉnh trang, sửa chữa ngôi chợ. Toàn bộ nhà lồng chợ, mái che, các gian hàng, sạp hàng được sửa chữa, làm mới và nâng cấp. Tuy nhiên, tháp chuông phía mặt tiền, vốn đi vào tiềm thức của người dân như một biểu tượng vẫn được giữ lại nguyên vẹn kiến trúc xưa.
Nằm giữa trung tâm thành phố, trước mặt là công trường Quách Thị Trang, chợ Bến Thành đã từng chứng kiến nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh của nhân dân Sài Gòn, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. Tại công trường Quách Thị Trang (mà trước đây gọi là Công trường Cộng Hòa) là nơi rải truyền đơn của hội viên Phan Xích Long (1913 -1916), nơi nổ ra các cuộc biểu tình đòi ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925), đòi thả ông Nguyễn An Ninh, đưa tang cụ Phan Chu Trinh (1926). Từ khi Ðảng ra đời, nơi đây diễn ra nhiều cuộc biểu tình quyết liệt mừng Cách mạng Tháng Tám thành công (25-8-1945), đả đảo bọn thực dân và tay sai giết hại anh Trần Văn Ơn (9-1-1950), hưởng ứng ngày toàn quốc chống Mỹ (19-3-1950). Ðặc biệt, ngày 25-8-1963, trước chợ Bến Thành, trên công trường Cộng Hòa, đã diễn ra cuộc biểu tình rầm rộ của học sinh, sinh viên, thanh niên Sài Gòn. Kẻ địch đàn áp dã man, giết chết nữ sinh Quách Thị Trang và bắt đi 1.380 người. Từ đó cho đến ngày Sài Gòn được giải phóng nơi đây còn diễn ra nhiều cuộc biểu tình khác trong đó có sự kiện nhà sư Thích Giáng Hương tự thiêu phản đối Mỹ ngụy đàn áp sư sãi và người dân.
Gắn liền với các sự kiện đấu tranh vì độc lập tự do, thống nhất đất nước, công trường phía trước chợ Bến Thành giờ đã được mang tên: Công trường Quách Thị Trang với bức tượng tướng Trần Nguyên Hãn uy nghi, lẫm liệt. Vì thế, "đi chợ Bến Thành" khách du lịch không chỉ đến với một trung tâm mua sắm lâu đời, nổi tiếng mà còn đến với một địa danh giàu truyền thống đấu tranh cách mạng.