Chợ truyền thống chật vật vì ế ẩm

Từng là một trong những mô hình dịch vụ cơ bản sầm uất, nhộn nhịp nhất Thành phố Hồ Chí Minh, chợ truyền thống nay phải đối mặt với tình trạng quạnh hiu, vắng lặng. Trong bối cảnh đó, nhiều tiểu thương phải trả mặt bằng, sang lại sạp hoặc tìm cách vượt qua giai đoạn khó khăn này.
0:00 / 0:00
0:00
Một số sạp hàng tại chợ Bàn Cờ (Quận 3) nằm ở vị trí đắc địa nhưng vẫn rơi vào tình trạng vắng khách.
Một số sạp hàng tại chợ Bàn Cờ (Quận 3) nằm ở vị trí đắc địa nhưng vẫn rơi vào tình trạng vắng khách.

Với nhiều mặt hàng như đồ thủ công mỹ nghệ, vải, quần áo, cà-phê..., chợ Bến Thành (Quận 1) là một trong những điểm đến hàng đầu của khách du lịch trong và ngoài nước.

Năm nay, tình hình buôn bán trở nên đìu hiu, khách vào chợ không còn đông đúc như thời hoàng kim khiến nhiều tiểu thương phải cắt giảm nhân viên, hạn chế nhập hàng số lượng lớn.

"Lực bất tòng tâm" là tình trạng chung của không ít người bán ở phần lớn các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố. Nhiều tiểu thương không còn hào hứng chào hàng, một số người ngồi bấm điện thoại, nói chuyện, thậm chí, ngủ quên vì ế ẩm.

Chị Thùy Trang, tiểu thương chợ Dân Sinh, Quận 1 trải lòng: "Hồi xưa chợ cũng có nhiều sạp áo dài nhưng buôn bán ế ẩm quá nên sang sạp hoặc nghỉ bán. Với lượng khách lai rai, thu chi hằng tháng chỉ mong đủ tiền thuê mặt bằng, đóng thuế".

Nhằm cải thiện lượng khách mua hàng, chị Trang liên tục nhập đa dạng mẫu mã áo dài, đồ bà ba... phù hợp xu hướng mới. Khi được hỏi về việc quảng bá sản phẩm lên mạng xã hội, chị Trang lắc đầu: "Tôi bán ở đây lâu rồi, người ta biết thì đến mua chứ không đăng hình quảng cáo. Áo dài thì phải tự tay lựa chất vải, chọn mẫu mã chứ chọn mẫu trên mạng rất khó vừa ý".

Nổi tiếng là mối nhập sỉ quần áo hàng đầu khu vực miền nam, chợ An Đông (Quận 5) cũng không thoát khỏi cảnh người bán đông hơn người mua. Cuối năm thường là thời điểm mua sắm nhộn nhịp nhất, thế nhưng nhiều sạp tại chợ đã đóng cửa phủ bụi nhiều tháng nay. Ngoài các đơn đặt sỉ, sức mua lẻ gần đây đã sụt giảm đáng kể, nhiều người phải dùng tiền tiết kiệm chi trả phí thuê sạp, điện, nước...

"Khách mua lẻ nhiều khi chỉ đến hỏi dò giá. Bây giờ người ta thích mua quần áo, giày dép trên các kênh thương mại điện tử vì rẻ và tiện hơn, không mất công ra chợ. Mấy sạp quanh đây cũng đang "gồng" lỗ, nhiều sạp đổi chủ liên tục", chị Ngọc Thanh (chủ sạp quần áo tại chợ An Đông, Quận 5) cho biết.

Các tiểu thương cho biết, thời điểm này vào những năm trước là mùa đem lại doanh thu cao nhất, nhưng năm nay, họ chỉ mong giữ được đơn đặt hàng sỉ từ mối quen và không kỳ vọng nhiều vào các đơn hàng bán lẻ.

Có thể thấy, tương lai của chợ truyền thống đang phải đối diện với một số kịch bản không thể tránh khỏi: Giảm thị phần, o ép giá để cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại khác.

Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, muốn tìm được giải pháp hiệu quả nâng cao sức mua cho chợ truyền thống, cần có phương án nâng cấp dịch vụ, kiểm duyệt chất lượng hàng hóa, niêm yết giá cả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... mà vẫn duy trì được tính truyền thống của văn hóa bán hàng.

Đặc biệt, các tiểu thương cần tự mình chấn chỉnh tình trạng "hét giá" như thời hoàng kim trước đây. Hoạt động thương mại dịch vụ, việc phát triển bán hàng qua các kênh online cần chuyên nghiệp và phù hợp hơn. Bởi lẽ, chỉ một số ít tiểu thương trẻ sử dụng thành thạo mạng xã hội mạnh dạn thay đổi để tăng doanh thu. Số còn lại phải chật vật, loay hoay trong khâu tiếp cận các phương thức bán hàng hiện đại.

Theo bà Trần Như Quỳnh, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu tiêu dùng của người dân có nhiều thay đổi do sự phát triển của xu hướng kinh doanh online. Ngành công thương đang thực hiện việc đánh giá lại hoạt động của chợ truyền thống để có những mô hình mới phù hợp thực tế, trong đó có việc chuyển đổi công năng các chợ hoạt động không hiệu quả. Ngoài ra, sở cũng tổ chức hoạt động hướng dẫn thương nhân các chợ buôn bán thông qua các kênh mua bán trực tuyến; hỗ trợ thương nhân tiếp cận nguồn hàng để giảm chi phí bán ra. Các địa phương cũng cần có giải pháp giải quyết tình trạng kinh doanh tự phát chung quanh các khu chợ.