Tìm hướng đi cho chợ truyền thống

Đã từ lâu, chợ truyền thống được xem là loại hình thương mại phổ biến và quan trọng trong hoạt động cung ứng và tiêu thụ hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, khi đời sống xã hội phát triển, nhu cầu của người dân tăng lên, cùng sự phát triển mạnh mẽ của loại hình thương mại hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại) và thương mại điện tử đã khiến thị phần của chợ truyền thống bị thu hẹp chịu sức ép cạnh tranh.
0:00 / 0:00
0:00
Chợ Hàng Bè. Ảnh: Nhật Quang
Chợ Hàng Bè. Ảnh: Nhật Quang

Nhiều năm qua, ngành công thương có nhiều giải pháp cũng như xây dựng đề án quy hoạch lại các chợ truyền thống nhằm chuyển đổi công năng, nâng cấp cơ sở hạ tầng để đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng văn minh, hiện đại của đô thị. Mặc dù vậy, quá trình triển khai đã phát sinh nhiều bất cập khi quy hoạch không sát thực tiễn, khiến việc “khoác áo mới” cho các chợ truyền thống theo kiểu “hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, có rất nhiều chợ được quy hoạch thành trung tâm thương mại hoạt động chưa hiệu quả.

Tuy không thể phủ nhận, việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống theo hướng văn minh thương mại là chủ trương đúng đắn, nhằm xóa bỏ hình ảnh các chợ hạ tầng đã xuống cấp, nhếch nhác, không bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, thế nhưng, thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, có rất nhiều chợ được quy hoạch thành trung tâm thương mại hoạt động chưa hiệu quả.

Ðiển hình tại thành phố Hà Nội có chợ Mơ, chợ Hàng Da,... trước đây vốn rất đông đúc, nổi tiếng sầm uất, nhưng sau khi chuyển đổi công năng, cải tạo, xây dựng lại theo mô hình mới đã bộc lộ nhiều hạn chế trong thiết kế khi quy hoạch các gian hàng của chợ xuống khu vực bên dưới tầng hầm nên không tạo thuận tiện cho việc đi lại, mua bán, dẫn tới “lệch pha” cung-cầu. Chợ này vừa không đáp ứng được nhu cầu của chợ dân sinh, vừa chưa đạt đến tầm là trung tâm thương mại (nơi dành cho các mặt hàng xa xỉ, cao cấp).

Kết quả tất yếu khiến chợ truyền thống mất đi mà trung tâm thương mại mới mọc lên thì đìu hiu, ế ẩm. Do không có khách, nhiều chủ ki-ốt trong các chợ này phải đóng cửa, gây lãng phí đầu tư, thuê mặt bằng ki-ốt. Có những trường hợp buộc phải “bỏ chợ”, tìm các điểm bán tự phát, chợ cóc chung quanh để bán hàng, dù cho quang cảnh nhếch nhác nhưng luôn tấp nập, đông người mua bán.

Ðể chợ truyền thống phát triển song hành với các loại hình buôn bán khác, đã đến lúc cần phải tìm hướng đi mới nhằm bảo đảm vừa giữ gìn văn hóa riêng, vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng bởi vai trò của chợ truyền thống là không thể thay thế do vẫn đảm nhận 40% nhu cầu mua bán của người dân, nhất là về thực phẩm tươi sống. Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi và chiến lược cụ thể để thu hút các nhà đầu tư xây dựng, cải tạo và phát triển các dự án chợ dân sinh một cách hiệu quả: vừa văn minh, hiện đại; vừa phù hợp với thói quen mua sắm của người dân; đồng thời quyết liệt xóa chợ cóc, chợ tạm.

Bên cạnh đó, vai trò của các ban quản lý chợ cần được nâng cao, xây dựng chợ thành môi trường kinh doanh văn minh thông qua việc niêm yết giá, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh của chợ so với những kênh bán lẻ hiện đại, giúp phát huy đúng vai trò của hệ thống chợ truyền thống.