Để chợ truyền thống hấp dẫn du khách

Kinh doanh hàng hóa chất lượng, niêm yết giá cả rõ ràng, ứng dụng công nghệ để quảng bá sản phẩm… là những cách làm mới, hấp dẫn được nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống ở Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng nhằm kéo khách về chợ.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc chợ Bình Tây.
Một góc chợ Bình Tây.

Thành phố đang bước vào những ngày nắng nóng của tháng ba, thế nhưng tại nhiều chợ truyền thống, khách không chỉ tận hưởng máy lạnh mát rượi mà còn thoải mái mua sắm hàng giá cả bình ổn, chất lượng bảo đảm.

Tại chợ An Đông (Quận 5), khu vực kinh doanh thời trang như quần áo, giày dép… tiểu thương bày biện hàng đẹp mắt và luôn nở nụ cười rạng rỡ khi có khách. Bà Nguyễn Thị Lan (tiểu thương ngành hàng vải áo dài) hào hứng: “Chưa năm nào sản phẩm này đắt khách như năm nay. Chị em phụ nữ xúng xính trong những bộ áo dài truyền thống đủ mầu sắc để đi chơi, dạo phố… Chúng tôi, không chỉ có vải may áo dài nam, nữ mà còn có áo dài may sẵn, áo dài may lấy liền trong ngày.

Hầu như ngày nào cũng có khách, có hôm bán vài chục bộ. Bán hàng đắt khách nên vui lắm. Tôi sẽ nhập thêm nhiều mặt hàng vải áo dài mới, lạ đáp ứng đa dạng yêu cầu của khách hàng”. Cạnh đó, tiểu thương kinh doanh khăn lụa, guốc dép, phụ kiện mặc áo dài cũng “ăn nên làm ra”. “Năm ngoái, guốc dép còn vắng khách, chứ năm nay không đủ hàng để bán. Du khách nước ngoài cũng yêu thích áo dài Việt Nam, đây là cơ hội để chúng ta quảng bá hàng Việt Nam ra thế giới. Chúng tôi còn giảm giá từ 10-15% trên từng sản phẩm, tuy không nhiều nhưng khách rất hào hứng và ủng hộ”, chị Trà My (tiểu thương ngành hàng giày, dép) chia sẻ.

Sở hữu hai quầy sạp đồ khô, bánh, mứt tại chợ Tân Định (Quận 1), bà Nguyễn Thị Thoa, chủ sạp 536-653 có thâm niên 40 năm kinh doanh tại đây cho biết: Chưa bao giờ sức mua lại giảm sâu như trong giai đoạn này. Tuy khó khăn, ế ẩm nhưng những người kinh doanh lâu năm sẽ không bỏ chợ. “Biết rằng kinh tế khó khăn, người dân hạn chế tiêu dùng nhưng vì cuộc sống, vì chợ lâu năm nên tiểu thương đều cố gắng bám trụ. Tiểu thương chợ được khách hàng đánh giá “5 sao”, hàng hóa bán đúng giá… Ít nhiều vẫn có khách ra, vô mua sắm. Đó là động lực để tiểu thương cố gắng.

Tôi nghĩ, đây là lúc khó khăn nhưng nếu mỗi tiểu thương ráng một chút, vượt qua được giai đoạn này, giữ được khách là giữ được chợ”, bà Thoa chân tình nói. Bí quyết giữ khách của bà Thoa là phải nắm bắt xu hướng để đáp ứng mọi yêu cầu của khách. Như khách ưa chuộng trái cây sấy dẻo thay cho mứt, bánh kẹo vừa ngon miệng nhưng phải giảm cân, ít đường… Bà Thoa khẳng định, có đủ các loại mứt truyền thống đến hiện đại, các loại đồ khô từ mọi miền đất nước phục vụ khách du lịch; in thực đơn bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài; hàng hóa có nguồn gốc, có chất lượng để tạo được uy tín, niềm tin…

Bến Thành là ngôi chợ biểu tượng của thành phố. Tiểu thương tại đây lúc nào cũng tươi cười rạng rỡ, nói tiếng Anh “như gió” quảng bá hàng hóa, thực phẩm đến du khách trong và ngoài nước. Chủ quán Bé Chè Trương Thị Tuyết Trinh cho biết: Nhu cầu ăn uống hàng quán giảm nhiều so với trước. Tín hiệu đáng mừng là thời gian gần đây, khách du lịch đến thành phố nhiều hơn, tiểu thương chợ Bến Thành đang ngày càng chăm chút hơn, để đón khách tốt hơn nữa. Chợ đã được chỉnh trang, nâng cấp thêm phần tươm tất, sạch sẽ.

“Gần đây, nhiều bạn trẻ có ảnh hưởng trên mạng xã hội, người nổi tiếng đến chợ quảng bá, hỗ trợ tiểu thương, khiến chúng tôi càng thêm phấn khởi. Không chỉ bán hàng trực tuyến, phát sóng trực tiếp… chúng tôi còn có mã QR để khách thanh toán không tiền mặt, đi chợ sao cho cảm thấy thoải mái và hài lòng nhất”, bà Trinh bộc bạch. Phó ban quản lý chợ Tân Định Lê Thanh Hải thông tin: Chợ thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ tiểu thương như miễn phí một tháng tiền điện sau Tết Nguyên đán, kết nối ngân hàng hỗ trợ vốn giá rẻ, tặng túi nhựa tự hủy cho các quầy hàng…

“Chúng tôi cố gắng xây dựng chợ sạch đẹp, an toàn, hàng hóa niêm yết giá công khai, tiểu thương thân thiện “vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi” để kéo khách đến chợ”, ông Hải nói. Đại diện chợ Bến Thành cho hay, Ban quản lý chợ mở thêm khung giờ hoạt động ban đêm đến 22 giờ, hiện tại có khoảng gần 300 hộ tham gia buôn bán. Ban quản lý đang tiếp tục vận động các hộ tham gia bán chợ đêm lên khoảng 50% (khoảng 750 hộ), nhất là các doanh nghiệp chung quanh chợ cùng đồng hành để mang đến không gian tham quan, mua sắm ban đêm đặc sắc cho du khách.

Từ đầu tháng 3, Sở Công thương thành phố thực hiện chuỗi hoạt động phát sóng trực tiếp bán hàng cho chợ truyền thống. Cụ thể là đẩy mạnh đưa mô hình thương mại điện tử vào chợ truyền thống, tổ chức chuỗi phát sóng trực tiếp, đào tạo thương nhân, đội ngũ KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội), KOC (người tiêu dùng có ảnh hưởng) để bán hàng. Hoạt động thương mại điện tử làm cho kênh phân phối truyền thống chịu sự cạnh tranh gay gắt.

Tuy nhiên, quan điểm của Sở Công thương là chợ truyền thống hoàn toàn có thể thích ứng để chuyển đổi số, kết hợp hình thức bán hàng trực tiếp với trực tuyến, livestream; qua đó, phát huy lợi thế lớn của chợ là văn hóa đi chợ của người dân, nguồn hàng có sẵn... Theo Sở Công thương, với tốc độ tăng trưởng 37%, doanh thu thương mại điện tử, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có thị trường hoạt động thương mại điện tử sôi động, có quy mô và tốc độ tăng trưởng lớn nhất nước.

Sở Thông tin và Truyền thông cùng Sở Công thương đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm mục tiêu tăng cường sự phát triển của truyền thông, chuyển đổi số và thương mại điện tử trong thời kỳ số hóa. Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương nhấn mạnh: “Hợp tác giữa hai sở, ngành sẽ mở ra cơ hội mới và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tiểu thương trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, nhu cầu chuyển đổi số và thương mại điện tử”.

Ngoài nội dung hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động thương mại điện tử cho các thương nhân, tiểu thương chợ truyền thống, các bên thỏa thuận phối hợp giới thiệu, quảng bá về chợ truyền thống trên địa bàn; sự hấp dẫn của văn hóa và lịch sử; điểm đến không thể bỏ qua cho du khách và những người yêu thích văn hóa địa phương.