Các địa phương, đơn vị bước đầu hình thành các thiết chế văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, góp phần quan trọng trong hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với những mô hình, giải pháp thiết thực, gần gũi với người dân thành phố.
Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) trở thành điểm sáng của thành phố trong việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh khi trở thành trung tâm giáo dục về lịch sử cách mạng, về tư tưởng đạo đức và cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Người.
Bảo tàng là tiếng nói tích cực trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng, góp phần nâng cao lòng tự hào dân tộc cho nhiều thế hệ người Việt Nam, trong đó có đồng bào thành phố, nhất là thế hệ trẻ.
Bảo tàng còn là địa điểm lý tưởng để tham quan, học tập và nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ của người dân thành phố nói riêng, nhân dân cả nước nói chung và cả bạn bè quốc tế.
Theo bà Lưu Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh), bảo tàng vừa thực hiện Đề án "Số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh)". Đến nay, bảo tàng đã thực hiện thống kê, sưu tầm, số hóa 22.710 tài liệu, hiện vật gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho mọi người dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Trần Thế Thuận cho biết, một năm qua, phát huy thế mạnh của khoa học-công nghệ trong thời đại 4.0, ngành văn hóa và thể thao đã đẩy mạnh khai thác và tận dụng không gian mạng trong tổ chức tuyên truyền các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với nhiều bài viết, đoạn phim ngắn, các tài liệu liên quan được đăng tải thu hút hàng triệu lượt xem. Những bài viết, thông tin này được chia sẻ trên trang cá nhân của cán bộ, đảng viên tạo nên sức lan tỏa nhanh, rộng khắp đến các cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ngày càng trở nên sôi nổi, đi vào chiều sâu. Các địa phương, đơn vị đã thực hiện các không gian mở nhằm xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với hơn 4.580 mô hình, mỗi mô hình thực hiện theo cách sáng tạo của từng địa phương, đơn vị.
Nhiều mô hình thực hiện tại các ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn mang lại hiệu quả cao, thu hút đông đảo người dân tham quan, học tập. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn thành phố đã có nhiều hình thức sáng tạo bao gồm cả giá trị vật thể và phi vật thể. Các trường học công lập trên địa bàn thành phố thực hiện nhiều mô hình thiết thực thu hút các em học sinh cùng tham gia sáng tạo và thiết kế.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 1 Nguyễn Trung Châu Tuyên, qua một năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 44 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 11 về "Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh", bên cạnh xây dựng không gian văn hóa vật thể, Quận 1 đang tập trung vào giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa, bồi dưỡng tâm hồn tình cảm con người thông qua các hoạt động như: Tổ chức Liên hoan Âm nhạc dân tộc, Liên hoan Đờn ca tài tử, Liên hoan Tiếng hát truyền thống Quận 1, Hội thi "Góc phố ngày Tết", sân khấu hóa chuyên đề tái hiện hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nhìn từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng… Quận cũng chú trọng xây dựng và hình thành lối sống văn hóa, lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người", trọng tâm là giáo dục việc giữ gìn nếp sống văn minh đô thị để việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở nên thực chất.
Phó Bí thư Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Trương Minh Tước Nguyên cho biết, tuy chủ trương xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh bước đầu còn có nhiều điểm mới, chưa có tiền lệ, nhưng đã thu hút sự quan tâm, triển khai, thực hiện của tổ chức Đoàn-Hội-Đội và thanh, thiếu nhi thành phố. Từ năm 2021 đến tháng 6/2024, toàn thành phố có 80.235 đoàn viên ưu tú do Đoàn giới thiệu với Đảng và 19.737 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đoàn viên, thanh niên thành phố là lực lượng xung kích trong tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19, thực hiện các công trình, phần việc, hoạt động tình nguyện xây dựng, phát triển thành phố, đất nước và cũng đang là lực lượng xung kích, trách nhiệm trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại địa phương, đơn vị.
Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng bộ thành phố, thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân, là động lực cho sự phát triển kinh tế thành phố. Là nhiệm vụ quan trọng, có nhiều điểm mới, gắn với các nhiệm vụ chính trị của thành phố cho nên trong quá trình thực hiện, các đơn vị cần chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, nhất là tiếp thu ý kiến chỉ đạo của cấp trên, của nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học,… để kịp thời điều chỉnh, đáp ứng mục đích, yêu cầu đặt ra.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải đề nghị, trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhất là trên không gian mạng; cần đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 44 phù hợp điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.
"Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải nghiêm túc, không phô trương, hình thức, không làm theo phong trào dẫn đến lãng phí nguồn lực và thiếu hiệu quả; cần có giải pháp phù hợp để huy động toàn bộ các lực lượng và nhân dân thành phố đồng lòng, tích cực tham gia và có thể thụ hưởng ngày càng nhiều các giá trị, lợi ích của việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh", đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.