Dự hội thảo có đông đảo đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, hiệp hội ngành nghề kinh tế, doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử, người bán hàng, KOLs (những người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội)…
Mục đích của hội thảo là nhằm thu thập các góp ý, đề xuất, hiến kế từ các hiệp hội kinh tế, chuyên gia, doanh nghiệp… Trên cơ sở đó, Ban tổ chức sẽ tổng hợp và đề xuất lên các cơ quan chức năng các giải pháp, mô hình kết nối, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển thương mại điện tử, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh việc đưa hàng Việt Nam lên các sàn thương mại điện tử là một cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn hơn những thị trường truyền thống.
Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam trình bày xu hướng mua sắm qua kênh thương mại điện tử, những khó khăn và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. |
Theo Ban tổ chức, những năm gần đây, thương mại điện tử đã và đang trở thành xu hướng tất yếu, mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp. Các sàn thương mại điện tử đã trở thành kênh phân phối quan trọng, giúp hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và tiện lợi.
Tuy nhiên, để thành công trên các sàn thương mại điện tử, hàng hóa Việt Nam đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, sự đổ bộ của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới (như Taobao, Tamu…) đã làm bộc lộ rõ hơn năng lực sản xuất lẫn thương mại của doanh nghiệp trong nước. Hệ lụy là các doanh nghiệp trong nước đã và đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp quốc tế với nhiều lợi thế về chi phí vận hành, logistics, giá cả, đầu tư kho bãi...
Bổ sung quy định pháp lý để kiểm soát tốt hoạt động thương mại điện tử
Tại hội thảo, nhiều đại diện cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, tiểu thương, KOLs, nhà bán hàng trực tuyến... đã cùng phân tích về thị trường thương mại điện tử Việt Nam, dự đoán thách thức và cơ hội cho hàng Việt Nam trong bối cảnh các sàn thương mại điện tử của nước ngoài “xâm nhập” nước ta.
Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận và đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm “tiếp sức” cho hàng Việt Nam phát triển bền vững trên sàn thương mại điện tử. Trong đó, các chuyên gia tập trung kiến nghị các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước về khâu giao nhận, kho bãi, cải thiện năng lực sản xuất, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), livestream, quảng cáo…