Thái Nguyên tăng cường tiêu thụ sản phẩm OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã thúc đẩy khả năng sáng tạo, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, huy động nguồn lực của các tập thể, cá nhân; đồng thời phát huy tiềm năng dồi dào, lợi thế vùng, miền trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Qua đó, đã tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại thu nhập lớn cho các chủ thể, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Thái Nguyên xác định, các sản phẩm OCOP, nông nghiệp chủ lực là động lực phát triển kinh tế nông thôn.
Tỉnh Thái Nguyên xác định, các sản phẩm OCOP, nông nghiệp chủ lực là động lực phát triển kinh tế nông thôn.

Với 173 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 đến 5 sao, các chủ thể và tỉnh Thái Nguyên xác định, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu này là một trong những hướng chủ đạo để phát triển kinh tế nông thôn.

Nâng cao chất lượng

Khởi nghiệp với sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật của Công ty trách nhiệm hữu hạn Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo, sau khi sản xuất sản phẩm chè mang các thương hiệu của Nhật Thức, những năm gần đây. Hợp tác xã Nhật Thức ở xã Phục Linh, huyện Đại Từ đã chuyển sang sản xuất chè theo hướng hữu cơ để không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn bảo vệ sức khỏe các thành viên hợp tác xã trực tiếp sản xuất.

Thái Nguyên tăng cường tiêu thụ sản phẩm OCOP ảnh 1

Tỉnh Thái Nguyên tổ chức nhiều hội nghị bàn giải pháp nâng cao chất lượng, tiêu thụ thụ sản phẩm OCOP.

Giám đốc Hợp tác xã Đào Thị Thức cho biết, các thương hiệu Thức Đỉnh trà, Thức Tâm trà, Bách Long trà của chúng tôi được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao. Hiện nay, chúng tôi đang sản xuất các sản phẩm này theo hướng hữu cơ, đó là sử dụng toàn bộ phân bón hữu cơ, vi sinh, thuốc trừ sâu thảo mộc, tạo ra sản phẩm chè sạch, không ảnh hưởng đến môi trường, bảo vệ “sức khoẻ” của cây, của đất, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và cả những người tham gia quy trình sản xuất chè.

Chúng tôi sản xuất các sản phẩm chè theo hướng hữu cơ, đó là sử dụng toàn bộ phân bón hữu cơ, vi sinh, thuốc trừ sâu thảo mộc, tạo ra sản phẩm chè sạch, không ảnh hưởng đến môi trường, bảo vệ “sức khoẻ” của cây, của đất, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và cả những người tham gia quy trình sản xuất chè.

Giám đốc Hợp tác xã Đào Thị Thức

Không chỉ đối với thức uống, mà các sản phẩm OCOP trong bữa ăn hằng ngày như gà đồi Phú Bình, tương Úc Kỳ, bún, miến cũng được cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên thường xuyên kiểm tra, các chủ thể đầu tư trang thiết bị sản xuất, chế biến để nâng cao chất lượng.

Thái Nguyên tăng cường tiêu thụ sản phẩm OCOP ảnh 2

Mật ong Tam Đảo được thành phố Phổ Yên hỗ trợ thiết kế, in bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hợp tác xã mì-bún khô Tiến Diện ở xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai đầu tư hàng tỷ đồng mua máy móc, thiết bị sản xuất mì, bún khô quy mô lớn, quá trình sản xuất không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; các sản phẩm được đóng gói, đăng ký mã số, mã vạch để thuận lợi cho truy xuất nguồn gốc nên mì, bún khô Tiến Diện với với tiêu chuẩn OCOP 3 sao được người tiêu dùng tín nhiệm.

Thái Nguyên tăng cường tiêu thụ sản phẩm OCOP ảnh 3

Quy trình thu hái, chế biến, đóng gói các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Chè Hảo Đạt ở xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên được thực hiện khép kín.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên Trần Nho Hưởng cho biết: “Tỉnh không ‘chạy” theo số lượng sản phẩm OCOP, mà chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Mỗi sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP đều phải có vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến bảo đảm chất lượng, nhất là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói để đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Tỉnh không "chạy” theo số lượng sản phẩm OCOP, mà chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Mỗi sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP đều phải có vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến bảo đảm chất lượng, nhất là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên Trần Nho Hưởng

Mở rộng thị trường tiêu thụ

So với nhiều địa phương khác, mặc dù số lượng sản phẩm công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP chưa nhiều, nhưng hầu hết các sản phẩm của tỉnh có sản lượng lớn, như diện tích và sản lượng chè Thái Nguyên lớn nhất cả nước, trong đó rất nhiều thương hiệu chè được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, một sản phẩm 5 sao.

Thái Nguyên tăng cường tiêu thụ sản phẩm OCOP ảnh 4

Hợp tác xã Chè Hảo Đạt xây dựng không gian trưng bày, bán sản phẩm và bố trí không gian cho du khách thưởng thức các sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn OCOP.

Do đó, tỉnh Thái Nguyên và các chủ thể chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ trong tỉnh, trong nước, thậm chí xuất khẩu. Thời gian vừa qua, tỉnh hỗ trợ nhiều thương hiệu chè, miến tham gia triển lãm, hội chợ, dự thi thương hiệu quốc tế và đạt giải cao, nhờ đó sản phẩm chè, miến được xuất khẩu ngày càng nhiều, mỗi năm mang về hàng triệu USD.

Hằng năm, tỉnh tổ chức ít nhất là 2 hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đến người tiêu dùng nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Việc quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP được thực hiện trên nhiều sàn thương mại điện tử, siêu thị, điểm du lịch, điểm dừng nghỉ trên cao tốc, tất cả 9 huyện, thành phố trong tỉnh đều có không gian giới thiệu, bán sản phẩm này.

Mỗi sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, tỉnh Thái Nguyên có chính sách hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá; các địa phương trong tỉnh cũng có chính sách để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thái Nguyên tăng cường tiêu thụ sản phẩm OCOP ảnh 5

Hàng trăm sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên được giới thiệu, bày bán tại trạm dừng nghỉ Hải Đăng bên cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên.

Theo Trưởng phòng Kinh tế thành phố Phổ Yên Dương Văn Hiến, từ năm 2022 đến nay, thành phố Phổ Yên có nhiều hình thức hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP về biển hiệu trưng bày, giới thiệu sản phẩm, thiết kế, in bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc.

Từ năm 2022 đến nay, thành phố Phổ Yên có nhiều hình thức hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP về biển hiệu trưng bày, giới thiệu sản phẩm, thiết kế, in bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc.

Tại hai trạm dừng nghỉ Hải Đăng bên cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên rộng hàng nghìn m2, được thiết kế sạch đẹp, văn minh, trưng bày và bán hàng trăm sản phẩm OCOP của tỉnh, mỗi ngày thu hút hàng nghìn người dừng chân tham quan, mua hàng, tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm cho các chủ thể.

Hợp tác xã Chế biến nông sản Võ Nhai có 2 sản phẩm là nõn măng nứa Võ Nhai và mộc nhĩ khô Võ Nhai được công nhận OCOP 4 sao, được tỉnh hỗ trợ và nỗ lực tham gia nhiều hội chợ quốc tế, gửi sản phẩm giới thiệu tại nhiều hội nghị, hội thảo, từ năm 2022, hai sản phẩm đã được xuất khẩu sang Nhật Bản và Singapore, mỗi năm thu về gần 10 tỷ đồng.

Các sản phẩm chè của Hợp tác xã chè Hảo Đạt với số lượng lớn nhất tỉnh nhưng không có tồn kho, vì hầu hết được bán trên sàn thương mại điện tử, bán trực tuyến đến nhiều tỉnh, thành phố; sản phẩm của Hợp tác xã Nhật Thức được bày bán tại 50 đại lý, cửa hàng phân phối sản phẩm; thị trường tiêu thụ gà đồi Phú Bình, tương Úc Kỳ, na La Hiên... ngày càng được mở rộng. Qua đó, kích thích sản xuất ngày càng phát triển, đời sống người dân, thu nhập của các chủ thể ngày càng tăng.

Thái Nguyên tăng cường tiêu thụ sản phẩm OCOP ảnh 6

Việc thanh toán không dùng tiền mặt phát triển trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Tỉnh Thái Nguyên và các chủ thể sản phẩm OCOP chủ trương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra ngoài tỉnh, xuất khẩu bằng nhiều hình thức là động lực, mục tiêu phát triển sản phẩm. Đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ đối với ngành chức năng, chính quyền các địa phương mà còn đối với từng chủ thể, cá nhân sản xuất hàng hóa.