Thái Nguyên bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Là an toàn khu trong kháng chiến, 51 dân tộc trên địa bàn với sinh hoạt tâm linh và văn hóa đặc sắc, Thái Nguyên có nhiều di tích lịch sử, văn hóa vật thể, phi vật thể. Đến nay, các di sản có giá trị về lịch sử, văn hóa này đều được tôn tạo, bảo tồn, khai thác và phát huy để giáo dục truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Các nghi lễ tâm linh, lễ hội và cụm di tích cấp tỉnh gồm đình, đền, chùa Cầu Muối, huyện Phú Bình được phục dựng, tôn tạo.
Các nghi lễ tâm linh, lễ hội và cụm di tích cấp tỉnh gồm đình, đền, chùa Cầu Muối, huyện Phú Bình được phục dựng, tôn tạo.

Quần thể di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa với 13 điểm di tích là nơi ở, làm việc của Bác Hồ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiều cơ quan Trung ương đóng trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tái hiện thời kỳ kháng chiến gian khổ

Những năm vừa qua, các di tích này được tỉnh Thái Nguyên bảo tồn, phục dựng, tôn tạo gần như nguyên gốc để tuyên truyền, phát huy giá trị giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hiện tại và mai sau.

Ngày nay, hàng trăm nghìn người đến với ATK Định Hóa mỗi năm, thăm nơi ở và làm việc của Bác Hồ, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội. Để có cảm nhận chân thực về di tích của du khách khi đến ATK Định Hóa, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên và các ban, bộ, ngành có di tích đã nỗ lực trong việc bảo tồn, phục dựng, trùng tu, tôn tạo di tích sau khi bị chiến tranh, thời gian tàn phá, làm mai một. Đây là những lán nhỏ, được dựng lên bằng tranh, tre, nứa, lá, là vật liệu sẵn có ở địa phương, những đồ dùng đơn sơ.

Ông Dương Văn Thắng ở xóm Mai Kha, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình chia sẻ: “Về ATK Định Hóa, thấy nơi ở, làm việc của Bác Hồ và các lãnh đạo cách mạng tiền bối rất đơn sơ, thiếu thốn, bàn làm việc, giường ngủ bằng tre ghép lại, vật dụng mộc mạc càng cảm nhận những cống hiến, hy sinh to lớn của Bác Hồ và các nhà cách mạng tiền bối; đồng thời, thể hiện lòng yêu nước, sự đùm bọc của đồng bào Định Hóa đối với cách mạng”.

Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử-sinh thái ATK Định Hóa Bùi Huy Toàn cho biết: Đến nay, các điểm di tích nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt đều được phục dựng gần như nguyên gốc, tôn tạo hoặc dựng bia, nhà bia ghi dấu di tích, sự kiện. Được giao quản lý, chúng tôi thường xuyên tham mưu cho tỉnh trùng tu, tôn tạo, đồng thời thường xuyên sưu tầm hiện vật để trưng bày, tư liệu để thuyết minh cho du khách đến tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm; các di tích tái hiện, minh chứng thời kỳ kháng chiến gian khổ, thực sự là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là thế hệ trẻ”.

Làm phong phú đời sống tinh thần

Cùng với các di tích lịch sử, các di sản văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc như múa, hát, nghi lễ dân gian của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng được lưu giữ, phát huy. Đó là lễ hội truyền thống từ bao đời, những điệu múa dân gian với trang phục dân tộc được phô diễn, những làn điệu dân ca, tiếng hát mộc mạc đậm đà bản sắc vang lên ca ngợi quê hương, con người chịu thương chịu khó, cầu mong mưa thuận gió hòa để cây cối xanh tốt, vật nuôi mau lớn để cuộc sống ấm no.

Đó là Lễ hội Cầu mùa của đồng bào dân tộc Sán Chay ở xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương với nghi lễ nhân văn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là cầu nối tâm linh giữa con người với đất trời. Hay như trong cơ chế thị trường sôi động, dù không có kinh phí hoạt động, nhưng đồng bào dân tộc Sán Dìu xóm Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ vẫn duy trì Câu lạc bộ hát Soọng Cô với nhiều thành viên trẻ tuổi. Tại các dịp lễ, Tết, hội làng, nhiều ông bà dù tuổi đã cao, bạn trẻ với trang phục truyền thống, say sưa hát Soọng Cô với sự hào hứng đón nhận, thưởng thức của người dân.

Ông Thẩm Dịch Thọ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Soọng Cô xóm Tam Thái tâm sự: “Hát Soọng Cô là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho nên chúng tôi phải gìn giữ, trao truyền cho thế hệ sau để xã hội có phát triển đến thế nào, đi đến đâu thì chúng tôi vẫn là mình với bản sắc, văn hóa riêng có”.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiêu biểu như múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay (huyện Phú Lương), Lễ hội Núi Văn-Núi Võ (huyện Đại Từ), Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), hát Soọng Cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu, Lễ hội Đền Đuổm..., trong đó nhiều di sản phi vật thể được gắn với điểm du lịch cộng đồng để thu hút du khách.

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên chia sẻ, trong những năm qua, tỉnh chú trọng tôn tạo, bảo tồn, phục dựng di sản, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục truyền thống cách mạng, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc, tạo nền tảng, động lực để ổn định, phát triển kinh tế-xã hội.