Nâng cao giá trị và thương hiệu chè Thái Nguyên

NDO - Ngày 23/2, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị bàn giải pháp nâng cao giá trị và thương hiệu chè Thái Nguyên, với sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan, cùng các địa phương trong tỉnh, nhiều nhà khoa học nông nghiệp, hiệp hội chè, hợp tác xã, người trồng, chế biến, tiêu thụ chè.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều sản phẩm chè được trưng bày bên lề hội nghị.
Nhiều sản phẩm chè được trưng bày bên lề hội nghị.

Đến nay, Thái Nguyên là tỉnh có diện tích, sản lượng chè lớn nhất cả nước, với hơn 22 nghìn ha, sản lượng chè tươi đạt hơn 260 nghìn tấn, doanh thu từ chè sau chế biến đạt 10.400 tỷ đồng. Đây là cây trồng thế mạnh, chủ lực, làm giàu cho người dân.

Tuy nhiên, việc liên doanh, liên kết sản xuất, chế biến chè còn hạn chế; diện tích chè hữu cơ còn thấp; quản lý chất lượng, nhãn hiệu chưa được quan tâm đúng mức; thu hút doanh nghiệp đầu tư trồng, chế biến chè còn gặp nhiều khó khăn; gắn vùng chè với phát triển du lịch còn yếu; chủ yếu vẫn là sản xuất quy mô hộ gia đình.

Đại diện nhiều cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệp hội, sở, ngành, địa phương, hợp tác xã, người trồng, chế biến chè, tiêu dùng đều cho rằng, nhu cầu sử dụng chè những năm tới tiếp tục tăng, đòi hỏi chất lượng ngày càng cao, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Do đó, tỉnh cần tiếp tục rà soát quỹ đất để mở rộng diện tích trồng chè; bảo vệ diện tích đã có; tăng cường thâm canh, chăm sóc, mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn, hữu cơ, tăng diện tích sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, đặc biệt đẩy mạnh sản xuất chè vụ đông để mang lại giá trị sản xuất chè cao nhất.

Tỉnh cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người làm chè đăng ký mã số vùng trồng; tăng cường quản lý nhãn hiệu; tích cực liên kết người trồng với các hợp tác xã, giữa các hợp tác xã thống nhất áp dụng quy trình sản xuất tạo ra khối lượng lớn sản phẩm chè đồng đều về chất lượng nhằm nâng cao giá trị của chè.

Tỉnh cũng cần rà soát, lựa chọn vùng chè để xây dựng các mô hình sản xuất chè gắn với du lịch trải nghiệm sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa, ẩm thực nhằm thu hút khách tham quan, mua sắm, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm chè.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: Đây là hội nghị chuyên đề về cây chè cấp tỉnh được tổ chức, cho thấy Thái Nguyên rất quan tâm đối với cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập, giá trị vượt trội, làm giàu cho nông dân này.

Vì vậy, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương, nông dân nâng cao giá trị, thương hiệu chè Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững. Mục tiêu đến năm 2025 là toàn tỉnh có 23.500ha chè, 85% diện tích giống mới, giá trị bình quân đạt 350 triệu đồng/ha.

Tỉnh Thái Nguyên sẽ quy hoạch vùng chè, xây dựng thương hiệu chè quốc gia, thống nhất quy trình sản xuất, chế biến chè; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến nhằm tăng giá trị của chè.

Tỉnh sẽ rà soát vùng sản xuất chè gắn với phát triển du lịch; xây dựng mã số vùng trồng, mở rộng diện tích chè hữu cơ, chè sạch; tăng cường chuyển đổi số, xúc tiến thương mại, giao dịch điện tử.

Triển khai những mục tiêu và định hướng này, đồng chí Nguyễn Thanh Bình giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, các địa phương và đoàn thể liên quan.