Tết Huế

Giữa nhịp sống hối hả của thời đại ngày nay, Tết Huế vẫn chứa đựng sự trọng thị và tinh tế vốn có. Nhìn hình ảnh cây nêu bay trong gió, làn khói nồng thơm, xanh biếc từ một mái nhà hay chậu mai vàng chớm nở… vậy là Tết đã về.
0:00 / 0:00
0:00
Cây nêu thướng lên đón Tết tại Hiển Lâm Các (Kinh thành Huế). ( Ảnh Hiếu Trương)
Cây nêu thướng lên đón Tết tại Hiển Lâm Các (Kinh thành Huế). ( Ảnh Hiếu Trương)

Những giá trị nguyên bản

Từ thời Nguyễn, phong tục dựng cây nêu là một phần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Đối với chốn cung đình, lễ Thướng Tiêu (dựng nêu) thường được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Ở các làng, xã lân cận, thời điểm tổ chức dựng nêu sẽ tùy vào tục lệ của địa phương nhưng phải trước ngày 30 Tết. Quá trình dựng nêu trải qua các nghi thức như nghinh thần (đón thần linh tới dự lễ), lễ cúng thần, khánh hạ (lễ thành), tống thần (tiễn thần linh đi) và đốt sớ.

Thời khắc cây nêu cao vút được dựng lên, mọi công việc sẽ tạm ngừng để người dân đón Tết. Hình ảnh cây nêu của triều đình xưa mang theo ước nguyện mưa thuận gió hòa, người dân làm ăn thuận lợi. Ở quy mô làng, xã (tộc họ), cây nêu đại diện cho lời cầu mong tổ tiên phù hộ, che chở cho con cháu.

Ông Nguyễn Phi Nè (66 tuổi) trú làng Tân Thành, thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền là thành viên trong nhóm dựng nêu của tộc Nguyễn làng này. “Từ thời cha ông, việc dựng cây nêu và cúng kính trong dịp Tết cổ truyền luôn gắn với ý niệm “Tống cựu nghinh tân”. Những ngày cuối năm, mọi công ăn việc làm đều dừng lại, bà con dành thời gian chuẩn bị đón một năm mới sum vầy, đầy mới mẻ. Mỗi nơi có một cách dựng nêu phù hợp với tình hình thực tế. Theo quy định, cây tre được chọn làm nêu phải thẳng, đẹp, hình dáng chắc chắn. Ở ngọn nêu có treo một chiếc giỏ, bên trong đựng trầu cau, giấy tiền”, ông Nè nhấn mạnh.

Hình ảnh cây nêu Tết không chỉ thể hiện vẻ đẹp mà còn là lời nhắc nhở dân làng sinh sống hòa thuận, đoàn kết, dĩ hòa vi quý. Theo truyền thống các làng, trong những ngày Tết, nghiêm cấm gây ồn ào, mất an ninh trật tự xóm làng. Thay vào đó, dân làng gặp gỡ, trò chuyện bằng những câu chúc bình an, may mắn. Tết Huế sẽ kết thúc vào ngày mồng 7 tháng Giêng, khi cây nêu được hạ xuống. Các nghi thức của lễ cúng hạ nêu tương tự như khi dựng nêu.

Là thế hệ trẻ có trách nhiệm kế thừa những giá trị tốt đẹp của làng Tân Thành, anh Nguyễn Phi Trường (30 tuổi) thấu hiểu rõ vai trò của mâm cơm ngày Tết. Ngày còn nhỏ, anh Trường hay theo mẹ ra chợ sắm sửa bánh mứt. Anh Trường vẫn nhớ kỷ niệm cả nhà loay hoay bên bếp củi nấu nồi bánh chưng, bánh tét, soạn một mâm cơm dâng kính lên ban thờ. Khoảnh khắc đó góp phần hình thành nên tính cách kỹ lưỡng, chỉn chu của mỗi người dân xứ Huế. “Trong một năm, mỗi người có một công việc, cuộc sống riêng. Chỉ có ngày Tết hay lễ dựng cây nêu, anh em trong làng cùng tụ hội. Tham gia lễ dựng nêu là cách lớp trẻ chúng tôi lưu giữ những kinh nghiệm, bài học của thế hệ ông cha đi trước”, anh Trường cho hay.

Lắng đọng từng khoảnh khắc

Dáng vẻ dịu dàng và thư thả là những đặc trưng gắn liền với Huế. Tuy nhiên, ở góc độ vui chơi, Tết Huế đã để lại biết bao cảm xúc cho con người. Có thể thấy, đại đa số người dân đất Huế ưa chuộng không gian sinh hoạt cộng đồng gắn liền với Tết. Thầy giáo Trần Văn Toản (51 tuổi) trú thành phố Huế nhớ lại: “Với tôi, không gian Tết gắn liền với bối cảnh làng quê, ngôi nhà, sân vườn. Đó là đường thôn, ngõ xóm được dọn dẹp sạch sẽ, là đám trẻ con tung tăng một chục áo mới; là cảnh bà con chòm xóm tập trung mổ heo chia thịt…”.

Như bao địa phương trên dải đất miền trung, Tết Huế luôn có sự xuất hiện của mầu sắc hoa vạn thọ, hoa mai vàng. Nhà vườn cất công chăm sóc, tưới tắm chỉ mong hoa nở đúng thời điểm, rộ sắc. Ngắm nhìn chồi mai vươn lên, mỗi người đặt chút niềm tin về một năm mới đầy sung túc, thuận lợi. Cho đến nay, một nét đẹp văn hóa vẫn còn tồn tại ở Huế chính là việc đến từng nhà chúc Tết. Ngày trước, chuyện đi chơi Tết chủ yếu là đi bộ.

Thầy giáo Toản vẫn nhớ như in, khi nhỏ, anh theo chân ba mẹ đến nhà bà con họ hàng chúc Tết. Khi lớn đến lứa tuổi cấp 2, cấp 3, anh cùng đám bạn vào các nhà chơi Tết. Thuở đó, đám trẻ đi bộ từ đầu đến cuối làng không biết mệt. Đêm 30 Tết, các làng đều tổ chức văn nghệ. Đây là dịp bà con tập trung ở nhà văn hóa đón xem chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn. Những thôn xóm có phong trào nghệ thuật sôi nổi còn tổ chức hô hát bài chòi và các trò chơi dân gian khác.

Là một giáo viên, anh Toản luôn đề cao tính truyền thống trong ngày Tết. “Ẩm thực Tết xưa chủ yếu là những thứ tự tay làm. Nhà nhà gói bánh tét, làm mứt gừng, đổ bánh thuẫn, làm dưa món. Các xóm chung tiền mổ con heo chia nhau ăn Tết. Ngày nay, đời sống xã hội phát triển hơn nên nhiều gia đình mua sắm những mặt hàng có sẵn. Từ thực tế đó mà không khí Tết đã phần nào thay đổi”, anh Toản chia sẻ.

Trong những ngày cuối của năm, dòng người xuôi ngược khắp con đường làng để đi tảo mộ ông bà trước Tết. Xen lẫn trong đó là các bà, các chị tranh thủ mua sắm vài món đồ cuối cùng để ngày 30 kịp cúng tất niên và mời ông bà về đón Tết. Đối với trẻ con thì Tết là những ngày mồng 1, mồng 2, mồng 3 náo nhiệt. Còn đối với người lớn, phần đông sẽ cảm nhận rõ vị Tết ở những ngày trước thời khắc giao thừa. Lúc này, sự ấm cúng và thiêng liêng của giá trị văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam sẽ hiện diện khắp mọi nếp nhà.