Lễ hội A Za tại làng A Niêng - Lê Triêng 1, xã Trung Sơn, huyện A Lưới, đầy thanh âm và màu sắc. Các chàng trai, cô gái lộng lẫy trong trang phục truyền thống của người Pa Cô; tiếng khèn, tiếng tù và, tiếng trống, tiếng chiêng hòa quyện, đối đáp cùng những làn điệu dân ca Ca lơi, Siêng, Cha chấp... bên ánh lửa bập bùng giữa đại ngàn Trường Sơn.
Chính giữa ngôi nhà Târ đah - ngôi nhà chung của làng, Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Hạnh cho biết: Người Pa Cô có hai hình thức tổ chức A Za: A Za Koonh hay còn gọi là A Za Pựưt (Koonh nghĩa là bố; Pựưt nghĩa là lớn), được tổ chức với quy mô phạm vi toàn làng. A Za Kăn (nghĩa là mẹ) hay còn gọi là A Za kâr loh kumo, được tổ chức hằng năm ở phạm vi nhỏ. A Za Koonh thường từ 3-5 năm, hoặc khi làng được mùa lớn mới tổ chức. Thời gian tổ chức vào cuối tháng 11 âm lịch. Lễ hội này còn mang tính liên làng, có cả nghi lễ đâm trâu. Số lượng khách mời lớn, con cháu xa gần trong làng, các già làng, trưởng họ và bạn bè, thân hữu của các làng kết nghĩa đều được mời về dự. A Za Kăn được tổ chức hằng năm, thường vào giữa tháng 11 âm lịch; không có nghi lễ đâm trâu, lượng khách ít, chỉ có con cháu trong gia đình, làng bản.
Già làng Hồ Văn Rãi, Trưởng già làng xã Trung Sơn cho biết: Lễ hội A Za ở vùng cao A Lưới là dịp để tri ân, cầu xin các vị Yàng có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của đồng bào bằng các lễ cúng như: Lễ cúng Yàng Tro/A Bon (thần lúa và các vị giống cây trồng); lễ cúng Yàng Xứ (Yàng sông, suối, gió, núi, mây, lửa, đất, đường sá…); lễ cúng Yàng Ku muuiq (những người đã khuất); lễ cha đooi tâm me (lễ ăn cơm mới)...
Về nội dung của các bài cúng, già làng Hồ Văn Rãi chia sẻ: Tất cả đều mộc mạc, cầu xin thần linh cho mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ vật cúng cũng rất phong phú như: Gà, heo, dê, bò, trâu, thịt rừng được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, nhưng chủ đạo vẫn là bỏ vào ống tre để nướng, cá nướng... Người Pa Cô cũng chuẩn bị nhiều loại bánh để đãi khách, nguyên liệu chính được lấy từ hạt gạo nếp, tẻ thơm ngon...
Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện A Lưới Lê Thị Thêm cho biết: A Za là lễ hội truyền thống độc đáo, ngày Tết cổ truyền của đồng bào các dân tộc ở A Lưới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đó là niềm vinh dự, tự hào rất lớn cho đồng bào các dân tộc miền tây xứ Huế, cũng là một trong những thế mạnh của huyện A Lưới để khai thác tiềm năng phục vụ du lịch, và thực hiện mục tiêu bảo tồn, giữ gìn nét văn hóa truyền thống.