Từ nhỏ, chị Thới thường được theo bố mẹ đi xem các lễ, hội của người Vân Kiều ở bản Pa Nho (nay là khối 6). Lời ca, tiếng hát thiết tha, âm thanh rộn ràng của các loại nhạc cụ cùng những mầu sắc, hoa văn rất đẹp trên trang phục của nam, nữ Vân Kiều luôn cuốn hút sự tò mò của chị. Ngoài giờ đi học, chị xin đi theo các nghệ nhân ở bản để được xem tập hát, chơi nhạc cụ và dệt thổ cẩm.
Với tính kiên nhẫn, thích tìm tòi, chị sớm làm quen được với khung dệt, những cuộn chỉ đa sắc mầu, những loại nhạc cụ đa dạng. Tự nghe, tự tập rồi chị Thới cũng bắt đầu hát được những làn điệu dân ca cùng những động tác dân vũ cơ bản của đồng bào Vân Kiều. Để được học hỏi, rèn luyện nhiều hơn, năm 15 tuổi, chị Thới đăng ký tham gia Câu lạc bộ cồng chiêng và Nhóm dệt thổ cẩm của bản Pa Nho.
Tại đây, chị có cơ hội gặp gỡ, học hỏi các nghệ nhân về kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc thực hành dân ca, dân vũ, tìm hiểu sâu hơn về các loại nhạc cụ truyền thống và nghề dệt thổ cẩm. Tuy độ tuổi còn trẻ so với các thành viên khác nhưng với niềm đam mê, chị đã nhanh chóng tiếp cận và sớm thực hành khá thành thạo, nhất là đối với dân ca, dân vũ và dệt thổ cẩm.
Tại các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ cồng chiêng, chị học hỏi những kỹ năng cơ bản về hát dân ca, nhất là kỹ năng lấy giọng, kỹ năng tạo lời, sắp xếp lời và cách thức trình diễn phù hợp từng hoàn cảnh, sự kiện, lễ hội của đồng bào dân tộc Vân Kiều.
Về dân vũ, chị nắm kỹ năng biểu diễn từng động tác của các điệu múa của từng lễ hội khác nhau, đặc biệt là điệu múa trong biểu diễn cồng chiêng. Bằng những kiến thức cơ bản đó, chị đã có thể sắp xếp thời gian để tự mình tập luyện tại nhà.
Vào dịp giao lưu văn hóa văn nghệ giữa các làng bản, hay các sự kiện văn hóa tại địa phương, chị Thới đều tích cực tham gia để có cơ hội được hát, múa, và học hỏi, rèn giũa bản thân. Riêng đối với các loại nhạc cụ, chị học được cách biểu diễn xập xõa, tà ngạt trong lễ hội cồng chiêng.
Riêng đối với nghề dệt thổ cẩm, chị dành nhiều thời gian, công sức để tìm tòi, học hỏi bởi kỹ năng thực hành dệt thổ cẩm không hề đơn giản. Thấy người biết dệt thành thạo trong bản hiện chỉ còn nghệ nhân Hồ Văn Hồi, chị Thới đã tìm đến nhà nhờ ông chỉ dạy những kiến thức cơ bản nhất của nghề dệt thổ cẩm như cách luồn chỉ, cách tạo hoa văn…
Ngoài ra, chị đăng ký học lớp tập huấn dệt thổ cẩm do dự án Plan tài trợ thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức tại khối 6. Sau khi thành thạo trong thực hành các làn điệu dân ca, dân vũ, sử dụng được một số loại nhạc cụ và dệt được một số sản phẩm thổ cẩm, chị thường xuyên được mời tham gia truyền dạy tại các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể, tham gia các tiết mục biểu diễn cồng chiêng tại các sự kiện quan trọng cấp huyện, tỉnh và khu vực.
Năm 2018, chị đoạt giải nhì về thực hành dệt thổ cẩm tại Ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức tại tỉnh Đắk Nông. Chị đã trực tiếp đạo diễn, tập luyện các chương trình văn nghệ truyền thống của người Vân Kiều để tham gia nhiều sự kiện của địa phương và đạt giải cao. Theo nghệ nhân Hồ Văn Hồi, niềm đam mê và tâm huyết của chị Thới đã tạo động lực cho các hội viên, nhất là thế hệ trẻ tích cực hơn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu để góp sức bảo tồn văn hóa của dân tộc Vân Kiều ở địa phương.