Quảng Trị phát triển tour trải nghiệm làng nghề truyền thống

Du lịch làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giúp du khách hiểu hơn về ý nghĩa và tinh hoa văn hóa địa phương kết tinh trong từng sản phẩm làng nghề, cũng như nâng cao thu nhập cho người dân khi bán các sản phẩm cho du khách.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị trao giải thưởng cho nhóm học sinh làm clip quảng bá du lịch làng nghề truyền thống nón lá Trà Lộc.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị trao giải thưởng cho nhóm học sinh làm clip quảng bá du lịch làng nghề truyền thống nón lá Trà Lộc.

Tour du lịch giáo dục trải nghiệm của Công ty Amazing English Tour thường đưa du khách là học sinh tìm hiểu làng nghề truyền thống nón lá Bố Liêu ở xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong và thôn Trà Lộc, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng. Ngay trước khi bước vào cổng chào làng Bố Liêu, xã Triệu Hòa, các em nhìn thấy hình ảnh nên thơ là chiếc nón lá được cách điệu bằng vật liệu cứng rồi gắn vào phía bên phải trên cổng, làm biểu tượng nổi bật của làng nghề làm nón lá truyền thống hơn 100 năm. Tìm hiểu nghề làm nón lá Bố Liêu, các học sinh không chỉ hiểu thêm giá trị tinh hoa của văn hóa Việt, còn được đắm mình trong không gian của một làng quê truyền thống.

Tại làng nghề truyền thống nón lá Trà Lộc, xã Hải Hưng, học sinh cùng trải nghiệm các công đoạn làm nón; càng thú vị hơn còn được mang chiếc nón lá tự tay mình về làm kỷ niệm. Đại diện Tổ hợp tác sản xuất nón lá Trà Lộc của làng nghề truyền thống nón lá Trà Lộc cho biết: Hiện có gần 250 hộ tham gia sản xuất nón lá. Làm ra một sản phẩm nón lá phải qua nhiều công đoạn. Nguyên liệu thô để sản xuất được khai thác từ các huyện miền núi trong tỉnh, sau đó trải qua quá trình công phu mới có được nguyên liệu vừa ý nhằm tạo ra chiếc nón lá đẹp. Hằng năm, các hộ dân của làng nghề và tổ hợp tác sản xuất được hơn 30.000 sản phẩm nón lá, phục vụ người sử dụng trong và ngoài tỉnh.

Trước yêu cầu của thị trường, những người thợ làng nghề truyền thống nón lá Trà Lộc không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Cùng với đó, các đơn vị liên quan của huyện Hải Lăng và tỉnh Quảng Trị tổ chức tập huấn cho các lao động có thêm kỹ năng thêu và vẽ trên nón lá, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Nhờ vậy, nhiều du khách tìm đến với làng nghề, mua nhiều sản phẩm để sử dụng và làm kỷ niệm.

Vào dịp từ nay đến cuối năm, du khách đến Quảng Trị còn được các tour du lịch đưa đến trải nghiệm ở làng nghề làm mứt gừng truyền thống Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, có tuổi hàng trăm năm. Du khách được cùng làm mứt gừng và thưởng thức mứt với trà nên rất thú vị. Để giữ được thương hiệu, thu hút du khách và thị trường cho nghề làm mứt gừng truyền thống Mỹ Chánh, bên cạnh hương ước của làng quy định nguyên liệu làm mứt phải được trồng theo hướng hữu cơ, hằng năm trước khi bước vào vụ sản xuất, các cơ sở làm mứt gừng phải ký cam kết không sử dụng hóa chất trong chế biến.

Bà Nguyễn Thị Hải Oanh, Giám đốc Công ty Amazing English Tour cho biết, tiềm năng du lịch, trải nghiệm các làng nghề truyền thống của tỉnh Quảng Trị khá lớn. Hiện công ty đang khảo sát thêm một số làng nghề truyền thống để thiết kế các tour phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng du khách. Tỉnh Quảng Trị đang có 15 làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống được công nhận, trong đó nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống có lịch sử phát triển hàng trăm năm.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Tân cho biết, làng nghề truyền thống đã và đang trở thành một phần quan trọng để phát triển du lịch của địa phương. Hàng thủ công do làng nghề truyền thống làm ra được xem như biểu tượng văn hóa, nghệ thuật của mỗi vùng quê, là nhân tố hấp dẫn du khách.

Làng nghề truyền thống ở Quảng Trị không chỉ sản xuất ra những sản phẩm thủ công đặc biệt, có giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật cao, mà còn là tài nguyên du lịch, làm cho hoạt động du lịch được phong phú, đa dạng. Chiều ngược lại, hoạt động du lịch, mua sắm, tham quan của du khách sẽ góp phần quảng bá, phát triển làng nghề bền vững hơn.

Tuy nhiên, phần lớn các làng nghề truyền thống ở Quảng Trị chưa chú ý nhiều việc gắn sản phẩm với du lịch, mặc dù có chủ trương từ cấp quản lý gắn làng nghề với phát triển du lịch. Thực tế các làng nghề chưa có những điều kiện để trình diễn sản phẩm, phục vụ khách tham quan. Sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch chưa cao. Điều quan trọng cần thay đổi là phần lớn các làng nghề đang sản xuất cái đang có chứ chưa sản xuất cái khách du lịch cần.

Theo ông Nguyễn Đức Tân, để phát triển du lịch làng nghề cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên quý giá này. Trước mắt, cần chủ động bán các sản phẩm thủ công truyền thống của làng nghề tại các điểm du lịch để du khách từng bước có thêm thông tin đến với làng nghề; phải tổ chức được không gian trưng bày làng nghề của toàn tỉnh tại vị trí thích hợp để quảng bá sản phẩm đến du khách.

Lâu dài, muốn làng nghề truyền thống trở thành điểm du lịch hấp dẫn, cần đầu tư về hạ tầng giao thông, cơ sở đón tiếp khách, điểm trình diễn; đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá; đặc biệt là hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự thống nhất trong các chủ trương, chính sách với các giải pháp đồng bộ nhằm khuyến khích, hỗ trợ du lịch làng nghề truyền thống phát triển ■