Mổ heo chia cho “bạn” nghề
Thịt heo, bánh tét là hai món không thể thiếu trong ngày Tết của ngư dân làng biển Mân Thái. Với họ, ẩm thực ngày Tết phải chu tất, chỉn chu nhất. Đã từ lâu, người làng đợi đến cận Tết (hai ngày 29 và 30 tháng Chạp) mới mổ heo và nấu nồi bánh tét. Lý giải về điều này, các bậc cao niên trong làng cho rằng, đời sống ngư dân đi biển luôn dành sự trân trọng đối với lương thực, thực phẩm. Trong mỗi chuyến ra khơi, tính cách tiết kiệm không cho phép họ lãng phí nguồn thực phẩm. Bởi vậy, các món ăn trong ngày Tết có thể được để dành dùng cho chuyến ra khơi đầu năm. Đó là lý do dân làng thường tổ chức mổ heo và nấu bánh tét ngày cận Tết.
Một điều thú vị là những con heo mà chủ ghe lựa chọn mổ phải là heo cỏ (heo đen). Thông thường, mỗi chủ ghe sẽ mua ba con heo. Việc đặt cọc mua heo được tiến hành từ vài tháng trước Tết. Chỉ cần trên cơ thể con heo có một chấm trắng thì sẽ không được chọn. Với mong muốn tránh những bất trắc trên biển cho nên đã hình thành quy ước kỵ heo có mầu trắng.
Ông Huỳnh Văn Mười (56 tuổi) vẫn nhớ rõ không khí mổ heo Tết xưa. Ngày xưa, những ngôi nhà ba gian đều có lan-can ở phía trước nhà. Sau khi heo được rửa sạch, trước sự chứng kiến của tất cả thành viên “đi bạn” với chủ nhà, con heo được đặt lên lan-can, phần đầu hướng vào nhà. “Khi chủ nhà và một người khác tiến hành bài cúng và đánh ba hồi chuông trước gia tiên và tổ nghề biển, con heo đã được mở dây trói, rửa sạch, các dụng cụ dùng mổ heo được sắp xếp đầy đủ. Ba hồi chuông vừa dứt, thợ làm heo mới được phép tiến hành lấy tiết. Theo quan niệm dân gian, nếu tiết heo tuôn đều, thì việc đi biển trong năm sẽ rất thuận lợi”, ông Mười cho biết.
Quy trình của lễ cúng còn tiếp tục diễn ra sau khi con heo được luộc chín. Tùy từng gia đình mà có thể cúng toàn bộ con heo hoặc chỉ riêng phần đầu. Tinh thần đoàn kết, công bằng của người làm nghề biển làng Mân Thái được thể hiện ở chỗ, tất cả thành viên “đi bạn” với chủ ghe đều được chia đều các phần thịt, xương, lòng heo. Cùng với đó là hai đòn bánh tét đậm vị kèm theo như kéo gần cái Tết đến mỗi gia đình. Đây là phần mà chủ ghe muốn gửi đến nhóm “đi bạn” của mình để lo cho gia đình trong ba ngày Tết. Không khí Tết ở làng biển có thêm hương vị thịt heo, bánh tét giúp ấm lòng những người quanh năm làm nghề biển giã.
Gìn giữ nếp xưa...
Giữ gìn truyền thống của người Việt Nam, dân làng Mân Thái dành sự cung kính, tôn trọng cao nhất cho gia tiên, ông bà và cha mẹ của mình. Lễ cúng đầu năm vào ngày mồng 1 tháng Giêng (đồng thời thực hiện việc xông đất) do chủ nhà, cũng là ông chủ ghe thực hiện. Theo đó, chủ nhà đặt niềm tin trong khâu “xông đất”, lựa chọn những người có tính cách xông xáo, nhanh nhẹn trong công việc ngoài biển, đức độ, tử tế trong lối sống hằng ngày.
Ông Trần Văn Lịch (82 tuổi) là một ngư dân có tiếng ở làng Mân Thái với 61 năm lênh đênh trên đầu con sóng. Chừng ấy thời gian, ông Lịch đồng hành với chủ ghe là hai thế hệ nối tiếp của gia đình ông Huỳnh Văn Mười (đời ông nội và cha ông Mười). “Trong ngày Tết, lời ăn tiếng nói rất quan trọng. Chúng tôi luôn dành cho nhau những câu chúc về sức khỏe, niềm vui, phấn khởi cho chủ nhà. Cầu chúc ông bà con cháu vạn sự bình an. Anh em, bạn bè cùng ngồi lại với một ly rượu Tết, trà xuân đã thành lệ”, ông Lịch cho biết.
Đối với một lĩnh vực nghề nghiệp đặc biệt như đi biển, việc bám sát ngư trường tạo cho con người tính gắn kết tập thể. Có thể thấy rõ điều này qua cách nhóm “đi bạn” và chủ ghe chúc Tết lẫn nhau. Sau khi làm lễ mừng tuổi gia tiên và tổ nghề, cụng ly rượu Tết tại nhà chủ ghe, tất cả thành viên trong bạn nghề lần lượt đến thăm hỏi, thắp nén hương lên bàn thờ gia tiên của gia đình mỗi anh em trong đội. “Suốt một năm, dẫu rằng anh em “đi bạn” gặp nhau còn nhiều hơn gặp người trong nhà, nhưng cứ đến Tết thì vẫn có một tâm trạng lắng đọng. Anh em gửi đến nhau từng câu chúc thân tình. Trước thì mừng tuổi gia tiên, sau là cùng động viên, hứa hẹn kinh tế ngày càng phát triển trong năm mới”, ông Mười nói.
Theo tập tục của làng Mân Thái, trong ngày mồng 1 tháng Giêng, chủ ghe phải thực hiện phiên ra biển đầu tiên. Chuyến đi đầu tiên này, chủ ghe có thể đi xa hoặc gần bờ để thả một mẻ lưới mở hàng. Các ngày sau đó, từng phiên ra khơi được tiếp tục thực hiện dựa theo sự xuất hiện của đàn cá.
Đời sống xã hội ngày càng đổi thay, yếu tố tinh thần ở các làng chài ven biển như làng Mân Thái (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) dần suy giảm. Khoảng 50 năm trước, ba ngày Tết sẽ có nhiều hoạt động vui chơi, thi thố như hát lô tô, bài chòi, hát bội ở sân đình làng. Cùng với đó, câu chuyện về lễ nghi cúng kính đòi hỏi tính kỹ lưỡng, cầu kỳ.
Những năm trở lại đây, phần lớn các gia đình và thế hệ trẻ ở làng Mân Thái đã cắt giảm, thu hẹp những lễ nghi trong ba ngày Tết. Có nhiều yếu tố tạo ra thực trạng này như cách suy nghĩ hướng đến việc đơn giản dưới góc nhìn của người trẻ… Do vậy, lớp thế hệ như ông Huỳnh Văn Mười, ông Trần Văn Lịch càng thêm trăn trở, lo ngại truyền thống văn hóa của làng biển sẽ bị mai một…