Khát vọng vươn lên của du lịch Ninh Thuận

Trong 3 tháng đầu năm 2025, Ninh Thuận đã thu hút 890.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, so với cùng kỳ năm 2024 tăng gần 12%, đạt gần 25% kế hoạch năm, trong đó, khách quốc tế ước đạt 63.000 lượt, tăng hơn 168%, đạt 42% kế hoạch năm; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 1.060 tỷ đồng. Ninh Thuận đang tạo ra sức bật mới để phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái… đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, một danh thắng đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập vào tốp 10 vịnh đẹp nhất của Việt Nam.
Vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, một danh thắng đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập vào tốp 10 vịnh đẹp nhất của Việt Nam.

MỞ đầu hoạt động du lịch năm 2025 là Chương trình nghệ thuật “Ninh Thuận chào năm mới 2025” tổ chức tại Quảng trường 16 Tháng 4, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, đón hàng nghìn người dân và du khách.

Khi đến Ninh Thuận vào những ngày đầu năm, tại huyện Ninh Phước, du khách có dịp chiêm ngưỡng các nghệ nhân Chăm ở làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp dùng khung dệt cổ để dệt những tấm vải thổ cẩm đủ màu sắc đan xen hoa văn Chăm cổ trên nền vải rất độc đáo; xem các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (một trong những làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến tận bây giờ) với đôi bàn tay khéo léo, đôi chân thoăn thoắt, nhịp nhàng, uyển chuyển... biến từng khối đất sét vô tri thành những sản phẩm gốm độc đáo.

Năm 2023, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được UNESCO ghi danh.

Du khách còn được tham quan tháp Pô Klong Garai, tháp Pôrômê, tháp Hòa Lai mang nét đẹp vượt thời gian với lối kiến trúc độc đáo của nền văn minh Chăm-pa cổ tại Ninh Thuận; xem các thiếu nữ Chăm trong trang phục áo dài truyền thống biểu diễn múa quạt, với những bản nhạc hòa tấu từ các nhạc cụ của đồng bào Chăm, như: Trống Ghi năng, kèn sarainai, trống paranưng… Vào dịp các làng Chăm tổ chức các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng, du khách còn cảm nhận được sự linh thiêng và huyền bí của đạo người Chăm hàng trăm năm qua.

Hay, viếng Trùng Sơn Cổ Tự, tọa lạc trên núi Đá Chồng, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải là ngôi chùa bề thế với lối kiến trúc cổ kính và cảnh quan tuyệt sắc, đem lại cho du khách những phút giây vãn cảnh, dâng hương an yên, tĩnh tại.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận Nguyễn Văn Hòa cho biết, ngoài những địa chỉ du lịch nêu trên, Vườn Quốc gia Núi Chúa, huyện Ninh Hải và Vườn Quốc gia Phước Bình, huyện Bác Ái là những điểm du lịch ở Ninh Thuận được đông đảo dân “phượt” tìm đến quanh năm. Tại đây, du khách có dịp trải nghiệm những chuyến phượt bộ trong hàng trăm héc-ta rừng nguyên sinh cùng những dòng suối hoang sơ, ngắm các loài hoa rừng đua nhau khoe sắc, làm cho tinh thần con người trở nên thư thái, nhẹ nhàng, giảm bớt áp lực cuộc sống.

Hay, vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, là một danh thắng đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập vào tốp 10 vịnh đẹp nhất của Việt Nam, nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài khung cảnh thiên nhiên, non nước, đất trời yên bình và thơ mộng, đây còn là nơi để du khách tắm biển, “check in” bên những ghềnh đá, ốc đảo nhỏ, như: Bãi Bà Điên, bãi Hòn Gan, bãi Cóc... và thưởng thức hàng trăm món ẩm thực tươi ngon.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên cho biết, năm 2025 với nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh sẽ là cơ hội cho ngành du lịch Ninh Thuận vươn lên hơn nữa để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để đạt mục tiêu đón 3,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng, công suất sử dụng phòng đạt 65%, tỉnh sẽ tiếp tục có cơ chế, chính sách thúc đẩy du lịch phát triển như: Chính sách thu hút đầu tư vào các trọng điểm du lịch, đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch mới, khai thác các loại hình thể thao, vui chơi trên bãi biển. Nâng cấp các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch; khuyến khích đầu tư công nghệ mới trong các lĩnh vực quản lý lữ hành, vận chuyển, khách sạn, quảng bá du lịch...

Tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung chương trình hợp tác liên kết phát triển với các địa phương trong nước và quốc tế để tăng thêm sức hút. Tăng cường liên kết với các địa phương khác; đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch, nhất là cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ để bứt phá với các sản phẩm du lịch mới, phong phú và đa dạng từ du lịch văn hóa đến các hoạt động khám phá, nghỉ dưỡng gắn với phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường.