Độc đáo Lễ hội Ramưwan của đồng bào Chăm Ninh Thuận

Lễ hội Ramưwan, còn gọi là Ramadan (hay tháng chay-niệm), được ví như là Tết cổ truyền mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Chăm theo đạo Hồi giáo Bà ni (đồng bào Chăm Bà ni), nên còn được gọi là "Lễ hội" hay "Tết". Lễ hội thường diễn ra vào ngày đầu tháng thứ 9 theo lịch Hồi giáo và kéo dài trong một tháng (không có ngày cố định, thường rơi vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 6 dương lịch hằng năm).
0:00 / 0:00
0:00
Lễ cúng thần linh tại thánh đường để bước vào lễ tịnh chay là nghi thức quan trọng vào dịp đón Tết Ramưwan hằng năm.
Lễ cúng thần linh tại thánh đường để bước vào lễ tịnh chay là nghi thức quan trọng vào dịp đón Tết Ramưwan hằng năm.

Lễ hội Ramưwan gắn liền với các hoạt động thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, hướng về gia đình, tổ tiên, đặt đạo hiếu lên hàng đầu. Ðây là dịp để người thân quây quần bên nhau, những người con ở xa quê trở về làng cùng hòa trong không khí vui đón lễ hội, cầu xin bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ hội có ba phần cơ bản gồm: Lễ tảo mộ, lễ cúng gia tiên và lễ tịnh chay tại các chùa Hồi giáo theo đạo Bà ni và thánh đường Hồi giáo (Islam). Trong đó, lễ tảo mộ là phần khởi đầu, cũng là phần quan trọng nhất. Những ngày cận lễ hội, không khí chuẩn bị tại các làng Chăm Bà ni rất nhộn nhịp; đường làng, ngõ xóm được trang trí rực rỡ cờ hoa. Các gia đình tất bật với việc trang hoàng nhà cửa, gói bánh, ép cốm…

Sư cả Châu Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà ni tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư làm đường giao thông, cổng thôn, chợ làng, nhà sinh hoạt cộng đồng…, diện mạo các vùng nông thôn ngày càng tươi sáng, văn minh, hiện đại. Đồng bào rất phấn khởi vui đón lễ hội Ramưwan năm nay. Hy vọng năm mới mưa thuận gió hòa, vụ mùa thuận lợi, mọi gia đình bình yên, sung túc".

Theo truyền thống, các làng Chăm tổ chức lễ tảo mộ: Ngày đầu, người dân tảo mộ ở những nơi xa nhà; ngày thứ 2 và thứ 3, tảo mộ ở những chỗ gần nhà hơn và thường thực hiện trước buổi lễ chính vài ngày. Trong lễ tảo mộ, các gia đình mặc trang phục truyền thống, mang theo lễ vật đi đến các nghĩa trang của cộng đồng mình để cúng viếng.

Ðồng bào Chăm Bà ni quan niệm tảo mộ là nghi thức mời tổ tiên về ăn Tết. Việc tảo mộ ở chỗ xa trước, làm lễ mời trước để ông bà chôn cất ở nơi xa có thời gian đi về nhà, kịp với ông bà chôn cất gần nhà. Ðồ cúng gồm: Trầu cau được têm sẵn, thuốc, nước uống và bánh. Sau khi bày biện đồ cúng, mọi người thành kính ngồi thành vòng tròn quanh mộ theo từng dòng tộc.

Lúc này, Thầy Char là người chủ lễ cúng bắt đầu thực hiện nghi thức cầu kinh Koran bằng tiếng A-rập, còn các vị phụ tế thì vẩy nước thánh lên từng viên đá (bia mộ) với ý nghĩa tẩy uế, làm cho người chết được mát mẻ, sạch sẽ, thanh khiết hơn; tiếp đó đọc kinh, cúng bái rước tổ tiên về nhà ăn Tết. Lễ tảo mộ thu hút nhiều du khách thập phương đến tham dự bởi đây là một sự kiện văn hóa độc đáo của người Chăm Bà ni, Islam ở tỉnh Ninh Thuận.

Sau lễ tảo mộ, các gia đình về nhà cúng gia tiên theo phong tục truyền thống và mở tiệc khoản đãi khách, bạn bè. Con cháu sum họp đông đủ cùng với lễ vật theo phong tục để dâng cúng, mời ông bà, tổ tiên về chung vui. Ðồng bào Chăm Bà ni chỉ lập bàn thờ tại nhà trong hai ngày, sau đó rước ông bà tổ tiên vào chùa đến hết mùa Ramưwan. Trong thời gian này, các làng tổ chức mở hội tại sân vận động, vài trăm người tề tựu chúc nhau năm mới an lành cùng nhau hát, múa những vũ điệu truyền thống của cộng đồng mình.

Các vị chức sắc Hồi giáo Bà ni và Hồi giáo Islam thực hiện nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo (lễ tịnh chay) tại các thánh đường và kéo dài thời gian trong một tháng. Ông Thành Thanh Tâm, Trưởng ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh Ninh Thuận, kiêm Trưởng ban Hakem Thánh đường 102 cho biết: Lễ hội Ramưwan là một trong những lễ hội quan trọng nhất của đồng bào Chăm theo đạo Hồi giáo Bà ni và đạo Hồi giáo Islam ở Việt Nam, trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người Chăm.

Trong suốt tháng chay-niệm, các chức sắc và tín đồ theo đạo Hồi giáo Bà ni sẽ vào chùa thực hiện kiêng ăn uống từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn trong thời gian 5 ngày (trừ phụ nữ có thai, trẻ em, người già, ốm đau), dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện, suy ngẫm về đạo lý và làm việc thiện. Riêng cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo Islam sẽ thực hiện nghi thức chay tịnh tại thánh đường kéo dài một tháng.

Người Chăm Bà ni quan niệm, tháng chay-niệm là làm cho thể xác, tinh thần trong sạch, chế ngự những ham muốn tầm thường, hướng tới cuộc sống chân thiện mỹ, đoàn kết cộng đồng, dân tộc. Nét đặc trưng của yếu tố dân tộc luôn quyện chặt với yếu tố tôn giáo, cùng nhiều luật tục, lễ nghi mang đậm nét tín ngưỡng tôn giáo dân gian và văn hóa truyền thống của cộng đồng khiến lễ hội Ramưwan thu hút nhiều du khách đến tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của dân tộc Chăm ở Ninh Thuận, cùng chung vui, chúc nhau một năm mới vạn sự như ý.