Đào tạo nguồn diễn viên trẻ cho nghệ thuật truyền thống

Nguồn nhân lực cho các bộ môn nghệ thuật truyền thống hiện nay đang gặp không ít khó khăn. Hiện nay, cùng với việc tuyển dụng, các nhà hát đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo, mở các khóa tập huấn với các chuyên gia, nhằm đào tạo và nuôi dưỡng nguồn diễn viên trẻ để họ có thể yên tâm gắn bó và cống hiến.
0:00 / 0:00
0:00
Hai Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thị Thanh Tiền, Huỳnh Thị Minh Hải biểu diễn vở tuồng “Thị Kính - Thị Mầu” của cố giáo sư Hoàng Châu Ký.
Hai Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thị Thanh Tiền, Huỳnh Thị Minh Hải biểu diễn vở tuồng “Thị Kính - Thị Mầu” của cố giáo sư Hoàng Châu Ký.

Hợp tác vùng trong đào tạo

Đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp phục vụ trực tiếp cho những thế mạnh về nghệ thuật truyền thống của các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trong đó có nhiều di sản được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như Nhã nhạc Cung đình Huế, Nghệ thuật Tuồng (Nghệ thuật hát Bội Bình Định); Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng; Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam… thật sự là trọng trách rất lớn đối với các địa phương.

Trong rất nhiều khó khăn của hoạt động nghệ thuật biểu diễn hiện nay, nguồn diễn viên trẻ được đào tạo bài bản ngày càng hiếm và ít đi. Thậm chí, nhiều chuyên ngành đào tạo diễn viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống tại các trường đại học, cao đẳng trong khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã phải chấp nhận đóng mã ngành, hoặc “đỏ mắt” tìm sinh viên sau mỗi mùa tuyển sinh.

Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các nhà hát, đoàn ca múa nhạc mà còn là lực cản rất lớn đối với sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn. Vừa qua, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Việc phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống là câu chuyện không đơn giản. Thời gian tới, cần tập trung đào tạo năng khiếu, tiếp tục phát triển loại hình này theo hướng nghệ thuật đỉnh cao, ban hành chính sách riêng, trong đó không nên thực hiện tự chủ để loại hình này được phát triển.

Cấp Trung ương sẽ thực hiện công tác đào tạo, công tác bồi dưỡng có tính chất đỉnh cao. Còn về phía địa phương, khuyến khích phát triển các loại hình theo hướng tập trung có chính sách cho nghệ nhân, bởi họ chính là những người giữ hồn, giữ lửa cho loại hình này.

Theo đánh giá của ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Các hội liên hiệp văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, việc gắn kết với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên lĩnh vực văn học nghệ thuật của các tỉnh tiểu vùng Trung Trung Bộ cần ưu tiên hướng tới hai trung tâm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tương tự như ưu tiên hướng tới Huế trong kết nối nội bộ tiểu vùng. Đà Nẵng cần tập trung đưa người đi đào tạo bậc đại học và sau đại học bằng ngân sách thành phố để trở thành nhạc sĩ sáng tác, giảng viên/giáo viên dạy âm nhạc; để trở thành họa sĩ, nhà điêu khắc và giảng viên/giáo viên dạy mỹ thuật.

Thành phố Đà Nẵng hiện có hai đơn vị gồm Nhà hát Trưng Vương và Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Để nâng cao năng lực chuyên môn cho các nghệ sĩ, diễn viên, Nhà hát Trưng Vương tổ chức hai khóa học cùng chuyên gia Thái Lan với chương trình nghệ thuật Phá kén với kỳ vọng không ngừng phát triển kỹ năng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đối với nghệ sĩ, diễn viên. Đúc rút thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn, áp dụng các kỹ năng, kỹ xảo nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ hình thể bằng cảm thụ từ trái tim và khát vọng cống hiến cho nghệ thuật.

Nuôi dưỡng tài năng trẻ

Đào tạo nguồn diễn viên trẻ cho nghệ thuật truyền thống ảnh 1
Các diễn viên Nhà hát Trưng Vương trong tiết mục múa “Trăng nhà Chồ” đạt

Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2024 (đợt II).

Tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 vừa qua, các nghệ sĩ, diễn viên trẻ của Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng mang về nhiều giải thưởng, trong đó có hai Huy chương vàng. Chủ nhân của phần thưởng cao quý này là hai diễn viên trẻ Nguyễn Thị Thùy Trang và Phan Văn Thịnh cùng các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Trưng Vương.

Nguyễn Thị Thùy Trang, 24 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành Diễn viên múa năm 2021 tại Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng. Đầu quân cho Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng với nỗ lực không ngừng nghỉ, nữ diễn viên trẻ đã chinh phục được những bước đầu đầy thách thức đối với ngành múa. Trang chia sẻ: “Tham gia liên hoan giành hai Huy chương vàng đợt này, em rất hạnh phúc, vinh dự.

Đây là một cơ hội lớn, một dấu ấn và một bước ngoặt mới đánh dấu sự thành công của bản thân trên con đường hoạt động nghệ thuật mà em theo đuổi, phát triển trong suốt cuộc đời. Phía sau đó là sự hỗ trợ từ tập thể lãnh đạo, diễn viên nhà hát như một nguồn sức mạnh để em vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, tự tin bước tiếp”.

Diễn viên trẻ Phan Văn Thịnh, 25 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành Biểu diễn múa dân gian dân tộc năm 2019 tại Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng. Thịnh cho biết, rất hạnh phúc và may mắn khi có cơ duyên đến với Nhà hát Trưng Vương, bước vào con đường hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, được tiếp xúc với các nghệ sĩ tài năng để trao đổi kiến thức và kỹ năng để phát triển trên con đường nghệ thuật.

Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 đã trao cho Thịnh cơ hội rất lớn để thể hiện những kỹ năng tốt nhất của mình trong suốt khoảng thời gian học tập và rèn luyện vừa qua. Những ngày luyện tập miệt mài không kể thời gian, những vết thương trên cơ thể khi thể hiện các động tác mạnh, đều không làm người diễn viên trẻ chùn bước. Chọn gắn bó với nghệ thuật truyền thống của dân tộc, Thịnh muốn luôn hướng về phía trước, luôn rèn luyện thể chất và tinh thần, vượt qua chính mình.

“Làm nghệ thuật phải có cảm xúc, nếu không có cảm xúc thì sẽ khó có thể truyền tải được các vai diễn đến với công chúng. Vì vậy, cần có những sự đãi ngộ, hỗ trợ phù hợp để diễn viên trẻ yên tâm, sống được với nghề. Đó mới thật sự là điều kiện quyết định sự hưng thịnh của nghệ thuật truyền thống trong dòng chảy hôm nay”, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thị Thanh Tiền-Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nhấn mạnh.