Chất phim rặt đất Quảng
Đặc điểm của phim tài liệu là dựa trên sự thật của chi tiết, hình ảnh. Xuyên suốt phim, tính hư cấu hoàn toàn không xuất hiện. Khi lồng ghép các đặc trưng văn hóa vào phim tài liệu, từng công đoạn thực hiện luôn đòi hỏi tính cẩn trọng, sâu sắc. Đặc trưng văn hóa của tỉnh Quảng Nam có độ phủ rất rộng, đa dạng từ vùng biển, trung du đến miền núi cao. Ở đó, sự pha trộn cuộc sống của người Kinh và các đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa mầu sắc.
Có thể thấy, việc đi thâm nhập sâu vào đời sống là bước đầu tiên để quá trình làm phim tài liệu được diễn ra thuận lợi. Đạo diễn Ngô Hòa nhận thấy ở Quảng Nam vẫn còn nhiều vấn đề, câu chuyện chưa được khai thác. Từ nhiều góc nhìn khác nhau, một câu chuyện mộc mạc khi lên thành phim sẽ có sức thuyết phục cao hơn.
Ở các huyện vùng cao như Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn… tính tập trung, cụ thể về đời sống văn hóa đều thể hiện thông qua câu chuyện của những già làng. Các già làng là người cung cấp tư liệu, dẫn giải chi tiết về cộng đồng (cách ăn mặc, trang phục truyền thống, lễ cúng, quan niệm sống) của họ cho những người làm phim như Hòa.
“Hiện nay, nhiều chính sách bảo tồn văn hóa để truyền lại cho các thế hệ trẻ đang được đẩy mạnh ở các huyện miền núi của Quảng Nam. Trong cộng đồng, những giá trị nguyên bản xa xưa dần được phục dựng. Việc bảo tồn văn hóa đã lồng ghép thêm các định hướng phát triển du lịch cho cộng đồng”, đạo diễn Ngô Hòa nhìn nhận.
Nhận thức được tầm quan trọng của những bộ phim tài liệu về văn hóa, ê-kíp Xứ Quảng Media tập trung sâu vào từng bố cục khung hình, âm thanh hiện trường, ánh sáng… nhằm tạo sự bắt mắt cho người xem. Để làm nổi lên tính điện ảnh trong phim tài liệu, đạo diễn Ngô Hòa chắt chiu từng không gian về nét đẹp dân gian, các trường đoạn nhằm tạo ra bước chuyển cảnh nhất định.
Mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như Cơ Tu, M’nông, Xơ Đăng… luôn tự hào với điệu múa, nghi thức cúng, giá trị thiên nhiên của riêng họ. Đơn cử, huyện miền núi Tây Giang có cây pơ mu là cây di sản Việt Nam, nói lý – hát lý và điệu múa tung tung da dá là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đó, tính định danh dân tộc được cụ thể rõ nét trong các thước phim do Xứ Quảng Media thực hiện.
Gửi thông điệp cho hôm nay và mai sau
Các thành viên của ê-kíp Xứ Quảng Media đều là người trong tỉnh. Từ xưa, người dân Quảng Nam thường được ví von gắn liền với nét tính cách hay cãi. “Cãi” ở đây được hiểu là tranh cãi, tranh luận. Từng luồng quan điểm, ý kiến sẽ được mọi người thẳng thắn trình bày.
Câu chuyện này đã xuất hiện trong công việc chung của ê-kíp. Mỗi thành viên trong ê-kíp Xứ Quảng Media đều mạnh về các kỹ năng riêng như đạo diễn, biên tập, quay dựng phim. Trong quá trình làm việc, từng cá nhân cùng xây dựng ý tưởng cho kịch bản phim, cách tiếp cận nhân vật, hậu kỳ… Tất cả dựa trên sự thông minh, am hiểu vấn đề của mỗi người. Chung quy lại, việc tranh luận để tìm ra cái mới là điều quan trọng trong lĩnh vực làm phim tài liệu hiện nay.
“Làm về phim tài liệu nói riêng hay truyền thông nói chung sẽ luôn cần tính tập thể. Một bộ phim tài liệu chỉ thành công khi trong đó có yếu tố ngôn ngữ hình ảnh. Bởi vậy, chúng tôi làm các bộ phim liên quan lĩnh vực văn hóa thì một con người sẽ không thể thực hiện được. Tính gắn kết, dung hòa trong ê-kíp là điều rất cần”, đạo diễn Ngô Hòa cho biết.
Hai năm gần đây, ê-kíp của đạo diễn Ngô Hòa thường xuyên thực hiện các đề tài về miền núi. Trong đó, câu chuyện nghề của lực lượng bảo vệ rừng, câu chuyện sâm Ngọc Linh, cây quế cổ thụ, hành trình phục dựng văn hóa dân tộc hay nét đẹp của voọc chà vá huyện Núi Thành là những chủ đề nổi bật. Từ những cơ duyên đó, chất liệu điện ảnh, tài liệu được đào sâu, hướng đến mục tiêu kể cho khán giả hình dung được góc nhìn của chính đạo diễn.
Là người trưởng thành từ chuyên môn quay phim, đạo diễn Ngô Hòa hiểu được tầm quan trọng của các thông điệp phía sau mỗi tác phẩm do anh và Xứ Quảng Media thực hiện. Anh khẳng định: “Khi một người bỏ ra khoảng thời gian xem phim tài liệu đều cần nhận được những giá trị nhất định sau khi kết thúc phim. Đó có thể là thêm chút hiểu biết về con người, kiến thức đời sống ở tỉnh Quảng Nam được thể hiện trong phim. Tất cả đều được chúng tôi định hướng rõ trước khi bấm máy”.
Ngoài phim tài liệu, đạo diễn Ngô Hòa còn tham gia sản xuất những MV, chương trình ca nhạc đậm chất Quảng Nam, từ đó góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa, du lịch đất Quảng đến với nhiều người. Trên tất cả, hành trình bảo tồn văn hóa quê hương Quảng Nam luôn có sự sáng tạo, gắn liền với đời sống con người.