BẢO TỒN TRONG CỘNG ĐỒNG
Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý ra đời cùng với sự hình thành Trường Lăng - Lăng Ông đầu tiên của người Việt tại Quy Nhơn vào đầu triều Nguyễn, thuộc địa phận thôn Lý Hòa ngày nay. Theo sử liệu, Trường Lăng được thành lập muộn nhất vào năm 1815.
Đến năm 1839, làng Xương Lý được lập địa bạ chính thức và đã chọn vị trí linh thiêng để tái thiết, xây dựng Lăng Ông Nam Hải Xương Lý tại triền núi Đơn thuộc thôn Lý Chánh. Lễ hội Cầu ngư từ Trường Lăng được tổ chức để nghinh thần về Lăng Ông Xương Lý mới vào năm 1839.
Không gian chính của lễ hội được chuyển về bến đầm Xương Lý (vũng Nồm) và đầm Hưng Lương (vũng Bấc). Từ đó, hai làng Xương Lý và Hưng Lương đã song hành, gắn kết, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội bán đảo Nhơn Lý, đồng thời mở cửa thông thương và giao lưu văn hóa.
Theo dòng chảy thời gian, làng chài Vũng Nồm-Xương Lý đã phát triển nhiều nét văn hóa đặc trưng vùng biển, diễn ra tại Vạn đầm, lăng Ông và đình làng Xương Lý.
Do vậy, Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý là sự kiện trọng đại hằng năm của ngư dân, một loại hình di sản văn hóa phi vật thể luôn được giữ gìn và phát huy, lan tỏa trong cộng đồng, được tổ chức với quy mô lớn gắn liền với dân nghề biển tại địa phương.
Hằng năm, lễ hội chính thức diễn ra trong ba ngày 9, 10 và 11 tháng Giêng âm lịch, với nhiều hoạt động dân gian và biểu diễn nghệ thuật như Hát bội, Bài chòi và hội chọi gà dân gian.
Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng mà còn thể hiện sự giao thoa văn hóa, lịch sử và truyền thống của cộng đồng ngư dân. Ngoài ra, cũng là dịp để người dân Nhơn Lý gắn kết, cùng nhau tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong một năm mới an lành, bội thu và an toàn trên biển.
Với các nghi thức tín ngưỡng, người dân thể hiện lòng biết ơn đối với biển cả - nguồn sống chính của họ. Lễ hội cũng là thời điểm để các gia đình tụ họp, tham gia các hoạt động văn hóa, từ đó củng cố tình làng nghĩa xóm và tình đoàn kết trong cộng đồng.
Người dân Nhơn Lý không chỉ coi Lễ hội Cầu ngư là một sự kiện văn hóa mà còn là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc. Hiện nay, các nghệ nhân, người dân không ngừng nỗ lực gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, từ việc truyền dạy nghi thức tín ngưỡng cho thế hệ trẻ đến tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương từng là trạm dừng chân của con đường tơ lụa trên biển.
Nghệ nhân Nguyễn Kim Chức (xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn) cho biết: "Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý thể hiện đậm nét sự kết nối giữa hiện tại và quá khứ.
Đây là dịp để người dân hiểu hơn về vùng đất cảng biển và vai trò của Vạn đầm đối với đời sống kinh tế-văn hóa Bình Định qua bao thế kỷ. Chúng tôi luôn ghi nhớ công lao to lớn và tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, nghệ nhân, nhà nghiên cứu… đã có công sáng tạo, lưu giữ và phát huy giá trị lễ hội để thế hệ hậu sinh được thừa hưởng thành quả di sản quý giá này".
GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN KINH TẾ, DU LỊCH
Với những giá trị văn hóa đặc sắc, năm 2024, Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ sáu của tỉnh được vinh danh.
Tại lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lễ hội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng nhấn mạnh, mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, phối hợp của các cấp, ngành và địa phương, sự đồng tâm, hiệp lực của cộng đồng để Lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý mãi trường tồn và lan tỏa trong dòng chảy văn hóa dân tộc.
Để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn di sản, lãnh đạo tỉnh đề nghị thành phố Quy Nhơn phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, các ngành liên quan thực hiện quy hoạch tổng thể, chi tiết không gian thiêng của lễ hội. Việc này bao gồm quy hoạch khu vực Lăng Ông Nam Hải Vạn đầm Xương Lý, bến cá Xương Lý và Vạn đầm Xương Lý nói chung; bảo đảm tính kế thừa, tiêu chí về môi trường và cảnh quan. Đồng thời thúc đẩy việc lan tỏa, phát huy giá trị lễ hội, kết nối với các tổ chức, công ty lữ hành du lịch để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của khách du lịch trong và ngoài nước.
Việc bảo tồn và phát huy lễ hội Cầu ngư Vạn đầm Xương Lý không chỉ góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống mà còn gắn kết với phát triển du lịch bền vững.