Lằn ranh văn hóa và ý thức
"Huế luôn luôn mới", ông Amadou Matar M’Bow - nguyên Tổng Giám đốc UNESCO, trong chuyến ghé thăm Huế năm 1981 từng nhận định như vậy. Văn hóa tựu trung lại là do con người sáng tạo ra. Văn hóa luôn luôn biến đổi và vì thế, Huế luôn luôn mới.
Không gian văn hóa Huế, bản sắc Huế thể hiện ở yếu tố trung tâm là con người. Không gian văn hóa xứ Huế hợp dung giữa văn hóa dân gian và văn hóa cung đình, giữa cổ kính và hiện đại. Ở đó có sự giao thoa, hòa nhập nhất định với văn hóa vùng miền trong nước, giao lưu với các yếu tố văn hóa nước ngoài... Với quãng thời gian 718 năm hình thành, phát triển của vùng đất Thuận Hóa-Phú Xuân - Huế (1306-2024), những dấu ấn lịch sử-văn hóa đậm nét, phong phú, đa dạng, đa chiều kích… đã hấp dẫn biết bao học giả tìm tòi khám phá, gợi lên nguồn cảm hứng cho các tác phẩm văn học nghệ thuật.
Tiến sĩ Lê Vũ Trường Giang, Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế đã tìm lại những mẩu chuyện trải dài trong giai đoạn thế kỷ 17-20. "Cái xưa và cái nay trộn lẫn nhau giữa ranh giới văn hóa và ý thức, tính bất toàn và biến đổi, quá khứ và bài học của hiện tại. Đó là cái đi và trở về, cái đang còn và cái đã mất, yêu thương và chia sẻ để kết nối thông điệp về vẻ đẹp của một vùng đất. Nói như Louis Chochod "Kinh đô Huế và những bí ẩn của nó đã tạo nên nguồn cảm hứng", còn tôi khao khát tìm về những điều không dễ gì quên lãng được", Tiến sĩ Giang cho biết.
Nói khác hơn, trong cội nguồn văn hóa dân tộc Việt Nam, Huế là một tiểu vùng văn hóa, có bản sắc, được khu biệt ở tính địa phương với danh xưng "xứ Huế". Lẽ vì thế, người Huế có những đặc điểm tâm lý, tính cách, lối sống mang phong cách riêng, thể hiện qua cung cách ứng xử với tự nhiên và xã hội. Từ đó kiến tạo nên nếp sống vật chất và tinh thần "kiểu Huế", "vị Huế", "chất Huế"...
Trong cuốn sách "Người Huế kể chuyện Huế" vừa xuất bản của mình, Tiến sĩ Lê Vũ Trường Giang lấy lịch sử vùng đất làm nền móng, là bộ khung sườn cố định. Các mẩu chuyện, nhân vật góp phần làm cho tác phẩm đầy đặn. Vì các mẩu chuyện là một kênh khác, góc nhìn khác nên sẽ cung cấp thêm nhận thức, lưu giữ, ghi nhớ, giáo dục, kiến giải, phản ánh hiện thực vùng đất, con người xứ Huế như đã từng. Trong lịch sử, Huế sôi nổi, cởi mở trước biến thiên của thời cuộc. Nhiều người con xứ sở hăng hái trên tuyến đầu, xác lập vị thế trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa nghệ thuật…
"Huế một thời, Huế rặt, Huế đẹp, Huế cổ kính, Huế tao nhã, Huế kỳ bí, Huế thi ca. Tôi tập trung vào khai thác các mảng đề tài lịch sử, văn học, văn hóa dân gian để làm rõ những ý trên. Việc phân loại này sẽ giúp độc giả có cách đọc và tiếp cận khác nhau. Từ đó, người đọc dễ dàng cảm nhận được thông điệp về văn hóa Huế, con người Huế mà tôi muốn nhắn gửi", Tiến sĩ Giang bày tỏ.
Giữ hồn cho di sản
Cố đô Huế là vậy. Mỗi góc phố hay con đường, ngôi nhà hay dòng sông đều mang trong mình hai chữ di sản. "Tôi ngồi uống cà-phê trong ngôi nhà rường ở quán Vông Vang, số 24 Lý Thánh Tôn, thành phố Huế. Đây là ngôi nhà một gian hai chái có 28 cột gỗ mít được kết nối theo kiểu thức "Tiền trến hậu xuyên". Dưới bóng mát êm dịu tỏa xuống cùng với hàng cột gỗ vững chắc, tôi đã bắt gặp những cánh dơi chập chờn bay trên đầu mình", nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh viết trong sách "Giữ hồn cho Huế". Tuy nhiên, thông qua những lần khảo sát, thực trạng những ngôi nhà rường đều bị thấm dột từ mái ngói hiện lên rõ nét. Tiếng mọt kêu thả xuống thời gian đủ để mỗi người con xứ Huế thêm lo, thêm trăn trở.
Ông Vĩnh đặt kỳ vọng lưu giữ cái riêng của Huế sau từng chuyến điền dã, nghiên cứu, ghi chép. Nhìn ngắm những dãy tường thành, nhà nghiên cứu hình dung ra như là vầng trán của Huế. Lịch sử lặng sâu trong từng nếp nhăn trên thành quách rêu phong. Mùa hè 30 năm trước, một Đại Nội đầy trang nghiêm ẩn dưới ánh nắng vàng hanh được ông Hồ Vĩnh cảm nhận đầy mê hoặc. "Những mái ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly như đang nhảy múa trước mắt. Tôi tựa lưng vào tường thành rêu phong, ngửa mặt nhìn lên bầu trời, thấy mầu mây xanh như chùng xuống ôm choàng các cổ tích…", nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh lưu lại.
Trải qua bao thăng trầm, Huế luôn giữ cho riêng mình những khoảng xanh mà nhờ đó, người dân có được nơi tản bộ, thể dục mỗi buổi sớm mai hay chiều tà. Hiện nay, từng công viên dọc hai bờ sông Hương đang được chăm sóc, giữ gìn kỹ lưỡng. Cảnh quan xanh mát tạo ra một cuộc sống hiện đại đầy thú vị, thoáng đãng. Nằm ở phía bắc sông Hương là bạt ngàn cây xanh đổ bóng quanh Thành Nội.
Ông Hồ Vĩnh tự hào rằng, những con đường trải dài nối góc có bố cục như hình tam giác. Trong đó gồm các công sở và biệt thự du lịch mang dáng dấp kiến trúc phong cảnh. Huế như một bức tranh cuốn, lần lượt trải ra một mầu xanh ngắt cây cỏ, sông nước hòa quyện với nhau.
Sẽ có những hình ảnh văn hóa mất dần theo thời gian. Đó là quy luật tự nhiên, mọi thứ đều sẽ biến đổi, không có điều gì là vĩnh cửu. Văn hóa phải biến đổi để thích nghi bối cảnh xã hội mới, phù hợp các nhu cầu về đời sống vật chất và tinh thần của con người. Những câu chuyện gần gũi, đi vào lòng người được Tiến sĩ Lê Vũ Trường Giang hay nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh tìm kiếm, đấu nối chính là cách chuyển tải lịch sử một cách nhẹ nhàng.
"Người trẻ rồi sẽ lớn, là thế hệ kế tục xây dựng, phát triển đất nước. Họ biết sử, hiểu sử để tri ân, để báo ân cho bao thế hệ đã kiến tạo nên cuộc sống hôm nay", Tiến sĩ Giang đúc kết lại.